Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội ND huyện Bác Ái, cho biết: Khi chọn xã Phước Đại triển khai mô hình, Hội đã chủ động lên danh sách các hộ tham gia và tổ chức tập huấn cho bà con về kỹ thuật chăm sóc. Đến đầu tháng 5-2019, có 20 hộ thực hiện mô hình đã được Hội ND tỉnh chuyển giao 100 con heo, trong đó có 70 con giống Lũng Pù. Sau khi nhận về nuôi, do sự chênh lệnh nhiệt độ, đàn heo chưa thích ứng kịp với môi trường mới, nên phát triển chậm. Hiện nay đàn heo nái giống Lũng Pù đã thích nghi dần, sinh trưởng rất tốt và đã sinh sản 2 lứa.
Giống heo đặc sản Lũng Pù (Hà Giang) của gia đình chị Chamaléa Thị Điểu, thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại.
Gia đình chị Chamaléa Thị Điểu, thôn Tà Lú 1, cho hay: Cặp heo giống của gia đình đã sinh sản được 2 lứa, mỗi lứa 6-7 con. Được sự vận động của chính quyền, heo con sau khi sinh 6 tháng, gia đình chủ động bán lại cho các hộ chăn nuôi khác trong vùng để nhân giống. Sau gần 2 năm nuôi giống heo mới, chị Chamaléa Thị Trung, thôn Tà Lú 2, chia sẻ: Ngoại trừ có cùng màu đen, giống heo Lũng Pù có một số đặc trưng về ngoại hình vượt trội so với heo bản địa, như: Chấm trắng ở đầu, mõm to, chân trắng, bè. Sức ăn khỏe, dễ nuôi, thức ăn cũng chỉ là chuối, cám và rau củ quả thông thường. Trọng lượng heo trưởng thành cao hơn so với giống bản địa. Hiện tại, gia đình đang nuôi 1 con nái và 5 con non.
Để duy trì giống heo Lũng Pù, Hội ND huyện sẽ tiếp tục làm tốt công tác tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho hộ nuôi; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra định kỳ hàng tháng để kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến đàn heo. Tuyên truyền người dân xây dựng chuồng kiên cố, tạo hố chứa chất thải hợp vệ sinh; khuyến khích bà con đem heo lên rẫy nuôi dưới tán cây điều tạo môi trường thông thoáng cho heo phát triển vừa đảm bảo vệ môi trường; đồng thời, nhân rộng mô hình, tạo sinh kế cho nhiều hộ.
Lê Tuấn