Để cụ thể hóa Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, vừa qua tại xã Cà Ná (Thuận Nam) Lữ đoàn 955 (Vùng 4 Hải quân) phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tổ chức chương trình hoạt động ấn tượng, thắm đậm tình quân dân. Cụ thể, trước khi diễn ra chương trình, các quân y Lữ đoàn 955 chủ động thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, bố trí khu kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn, cấp phát khẩu trang y tế để ngư dân dự chương trình bảo đảm an toàn trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19. Trong không khí vui tươi, đầm ấm của chương trình, các ngư dân được xem các chiến sĩ Vùng 4 Hải quân biểu diễn những tiết mục văn nghệ thể hiện tinh thần sẵn sàng bảo vệ ngư dân, giúp ngư dân khắc phục sự cố kịp thời trên biển; khơi dậy ý chí, kiên cường của quân dân với quyết tâm bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tổ chức tặng 20 suất quà cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Cấp phát những tờ rơi tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam, Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Quân y Vùng 4 Hải quân kiểm tra sức khỏe cho ngư dân xã Cà Ná (Thuận Nam).
Điều ấn tượng nữa đó là, các quân y Vùng 4 Hải quân đã chuẩn bị chu đáo khu vực khám bệnh: Bố trí giường, trang thiết bị y tế, máy siêu âm, máy đo huyết áp hợp lý để thăm khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 50 ngư dân lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó, đoàn di chuyến đến Cảng cá Cà Ná để thăm hỏi đời sống, tình hình khai thác hải sản xa bờ của ngư dân và tặng hơn 200 cờ Tổ quốc, áo phao cho ngư dân địa phương.
Ngư dân Nguyễn Văn Vui ở xã Phước Diêm (Thuận Nam) có 40 năm gắn bó với nghề biển cho biết, ông rất cảm động, phấn khởi trước sự quan tâm hỗ trợ thân tình của cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân và Sở NN&PTNT. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ giúp tôi cùng với ngư dân địa phương nâng cao nhận thức; luôn chấp hành đúng các quy định Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phát huy vai trò của ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chấp hành tốt các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, nhất là không xâm phạm, khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.
Để cung cấp cho ngư dân nắm thêm thông tin về chính sách của Chính phủ, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá, hoạt động khai thác trên biển an toàn. Tại chương trình, đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh ta có chiều dài bờ biển trên 105 km, vùng lãnh hải rộng trên 18.000 km2; được xác định là một trong 4 ngư trường lớn của cả nước. Kinh tế biển được xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương; đến nay, tổng số tàu cá của tỉnh 2.505 chiếc, trong đó có hơn 776 tàu thuyền đăng ký tham gia khai thác biển xa kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thành lập trên 170 tổ đoàn kết sản xuất trên biển/1.018 tàu thuyền; sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt khoảng 120.000 tấn. Bên cạnh đó, nghề cá của địa phương cũng được trung ương quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các kết cấu hạ tầng phục vụ nghề cá như: Khu neo đậu tránh trú bão Ninh Chữ, Phú Thọ và khu vực Cảng cá Cà Ná, Phước Diêm với khả năng neo đậu an toàn cho trên 1.000 tàu cá. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu cá vào cập cảng bốc dỡ hàng hóa, tiếp nhận các dịch vụ, neo đậu tránh gió, bão an toàn, nhất là đội tàu khai thác thủy sản xa bờ.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tặng quà cho ngư dân Nguyễn Văn Vui ở xã Phước Diêm (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng đã triển khai kịp thời các chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ: Nghị định 67, 17, Quyết định 48 nên nghề cá của tỉnh có bước phát triển khá toàn diện, hình thành đội tàu có công suất lớn với trang thiết bị hiện đại vươn khơi bám biển dài ngày, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ an ninh biển, đảo. Đồng thời, tích cực tuyên truyền vận động ngư dân thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của EC như tổ chức lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, khai báo cập và rời cảng, ghi nộp sổ nhật ký, cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài…
Đại tá Lã Văn Hùng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết, đây là cuộc vận động thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” của Quân chủng Hải quân, trong đó Vùng 4 Hải quân tích cực tổ chức thực hiện, phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh trong việc huy động lực lượng ngư dân thực hiện nhiệm vụ trên biển, vừa đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên trên biển đúng pháp luật, vừa tham gia làm chủ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tuyên truyền, tổ chức phối hợp các lực lượng khác sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống trên biển xảy ra. Đồng chí mong rằng, mỗi ngọn cờ, mỗi con tàu, mỗi ngư dân Ninh Thuận là cột mốc sống trên biển, đặc biệt là khu vực huyện đảo Trường Sa.
Văn Nỷ