Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang: “Mưa trễ” ảnh hưởng đến chất lượng mía

Chu kỳ sinh trưởng của ruộng mía từ trồng đến thu hoạch gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn nảy mầm hoặc tái sinh gốc (mía gốc) - giai đoạn đẻ nhánh- giai đoạn vươn lóng - giai đoạn tích lũy đường và chín.

Mỗi giai đoạn sinh trưởng của ruộng mía có những yêu cầu khác nhau về dinh dưỡng, điều kiện đất và điều kiện thời tiết như: Mưa, nhiệt độ, gió,... và mỗi yếu tố đó ảnh hưởng không những đến sinh trưởng và phát triển cây mía, mà ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng mía mang về nhà máy hằng năm.

Mía bị ngã đổ do ảnh hưởng thời tiết.

Trong đó giai đoạn sinh trưởng cây mía cần bình quân 2-5 mm nước hữu hiệu/ngày để đảm bảo sinh trưởng bình thường. Đối với vùng đất Ninh Thuận, thời vụ trồng Đông - Xuân tháng 11 hằng năm đến tháng 1 năm sau, sau 4 tháng trồng, mía bắt đầu sinh trưởng mạnh và cần nhiều nước để phát triển nếu gặp điều kiện khô hạn thì mía không phát triển, giảm năng suất rõ rệt khi thu hoạch. Nhưng đến giai đoạn mía chín cuối tháng 10 đến tháng 12, mía ngừng sinh trưởng để tích lũy đường cây mía cần ít nước hơn, độ ẩm ít hơn, nhiệt độ thấp hơn và chênh lệch nhiệt độ ngày đêm > 15 độ để có “CCS” - chữ đường tối ưu nếu gặp điều kiện mưa nhiều, ẩm độ cao thì không những công tác thu hoạch, vận chuyển mía khó khăn mà chất lượng cây mía cũng không cao. Ngoài ra, trong giai đoạn mía chín thì trọng lượng cây mía cao nhất nếu gặp điều kiện mưa nhiều, gió nhiều mía đổ ngã thì chất lượng mía còn suy giảm nghiêm trọng hơn, chưa nói đến chi phí thu hoạch cũng sẽ tăng theo.

Niên độ thu hoạch 2020-2021 đối với Công ty Cổ phần đường TTC Biên Hòa- Phan Rang và bà con trồng mía Ninh Thuận hứng chịu nhiều tác động tiêu cực về thời tiết, thị trường đó là: Khi trồng mía, chăm sóc mía thì gặp điều kiện khô hạn kéo dài (tháng 10-2019 đến tháng 6-2020) dẫn đến thiếu hụt nguồn nước tưới mía bị chết gốc rất nặng, diện tích phải hủy gốc do khô hạn hơn 400 ha, chưa nói diện tích mía trồng mới bị chết. Khi chuẩn bị thu hoạch thì bị bão làm ngã mía hơn 20% diện tích, mưa lớn kéo dài trong tháng 11 đến tháng 12-2020 nên mía không chín, CCS thấp. Theo kết quả kiểm tra CCS tại ruộng hiện nay của Công ty Cổ phần đường TTC Biên Hòa - Phan Rang thì CCS mía chưa đạt, nhiều thửa mía đủ tuổi nhưng CCS chưa được 8,5, điều này là một thách thức vô cùng lớn đối với Công ty Cổ phần đường TTC Biên Hòa - Phan Rang và người nông dân. Vì hiện nay nhiều ruộng mía đã đủ tuổi, nhiều diện tích bị sâu hại tấn công, mía đổ ngã do mưa bảo,… nhưng chưa thu hoạch được vì chất lượng thấp, đất ước xe vận chuyển vào không được làm phát sinh chi phí thu hoạch vận chuyển quá lớn.

Theo dữ liệu từ trạm khí tượng của Công ty CP đường TTC Biên Hòa - Phan Rang đặt tại vùng nguyên liệu thì lượng mưa trong tháng 10 và tháng 11-2020 là gần 520 mm. Cao hơn một nửa từ đầu năm đến nay.

Bên cạnh các khó khăn trong nông nghiệp, về mặt thị trường đường mặc dù có một số tín hiệu tích cực hơn về giá đường khi Chính phủ chuẩn bị thủ tục kiện Thái Lan bán phá giá theo Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, với ảnh hưởng do dịch COVID-19 tình hình tiêu thụ đường cũng còn nhiều trở ngại. Giá mía, giá đường vẫn chưa đạt như kỳ vọng của nông dân và nhà máy. Nên niên vụ 2020-2021 cũng còn nhiều ẩn số và khó khăn đối với ngành đường Việt Nam nói chung và ngành mía đường Ninh Thuận nói riêng cũng còn nhiều việc phải làm để hướng đến cạnh tranh trong tương lai. Do đó, sự chung tay đồng hành của các cấp chính quyền địa phương tỉnh Ninh Thuận, đặc biệt ở những vùng có mía trong hoạt động đầu tư - hỗ trợ hạ tầng giao thông nông thôn, hạ tầng tưới tiêu nước cho vùng mía, hỗ trợ xây dựng các mô hình: tổ hợp tác sản xuất, chương trình cơ giới hóa cho cây mía, chương trình nghiên cứu giống mía mới phù hợp cho tỉnh Ninh Thuận,… sẽ là động lực to lớn cho Công ty đường và nông dân trồng mía tỉnh nhà tự tin hội nhập trong những năm sắp tới.