Những sản phẩm OCOP “đầu lòng” của tỉnh

Chính thức triển khai từ giữa năm 2019, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Ninh Thuận thu hút khá nhiều sản phẩm nổi bật của các địa phương trong tỉnh tham gia với mẫu mã đa dạng, đầu tư chuyên nghiệp, có chất lượng cao. Mới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020 đã công bố 69 sản phẩm OCOP “đầu lòng” đạt từ 3 đến 4 sao trở lên. Kết quả đó là sự ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các chủ thể kinh tế cũng như vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành và địa phương.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh cho biết: Xác định triển khai Chương trình OCOP theo chỉ đạo của UBND tỉnh là giải pháp quan trọng hoàn thành nhóm tiêu chí “sản xuất - thu nhập - hộ nghèo” trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Để các sở, ngành, địa phương và các chủ thể kinh tế không bỡ ngỡ, cũng như nắm được quy trình tham gia, xây dựng sản phẩm, ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, Văn phòng Điều phối NTM đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để vận động, hướng dẫn các địa phương, chủ thể xây dựng sản phẩm đúng theo tiêu chí quy định.

Sản phẩm táo của Trang trại Nho Ba Mọi (Ninh Phước) là một trong 69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh vừa được công nhận và gắn sao phân hạng. Ảnh: P.Bình

Đã thành lập các tổ giúp việc để tập huấn, triển khai phương thức hoạt động, thực hiện cho các tổ giúp việc cấp huyện và hỗ trợ các chủ thể kinh tế xây dựng, phát triển sản phẩm… Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khách quan, Văn phòng đã mời đơn vị tư vấn Trung tâm Phát triển nông thôn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tham gia hội đồng đánh giá. Mục tiêu đặt ra là đánh giá đúng, xếp hạng chuẩn các sản phẩm để nâng tầm giá trị, khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.

Theo Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), thành viên hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh, để được “gắn sao” OCOP, sản phẩm phải đảm bảo các yêu cầu: Nguồn nguyên liệu; giá trị gia tăng; năng lực sản xuất để phân phối; liên kết chuỗi trong sản xuất; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; sử dụng năng lượng, công nghệ thân thiện, bền vững trong sản xuất. Bên cạnh đó, các thành viên hội đồng còn đánh giá về các tiêu chí: Nguồn gốc ý tưởng sản phẩm, tính hoàn thiện của bao bì, phong cách bao bì, loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh, sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, điều hành, sử dụng lao động địa phương, tăng trưởng sản xuất - kinh doanh; các tiêu chí về tiếp thị như: khu vực phân phối chính, tổ chức phân phối, quảng bá sản phẩm; các yếu tố về chất lượng sản phẩm như: tạp chất lạ, màu sắc, mùi vị, hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm...

Một trong những tiêu chí cũng khá quan trọng, góp phần làm nên sự hấp dẫn của sản phẩm, đó là câu chuyện sản phẩm. Để có thể nhận được điểm tối đa, đơn vị phải xây dựng câu chuyện về sản phẩm để thu hút người tiêu dùng; câu chuyện có đầy đủ các nội dung: Tên sản phẩm, thị trường mục tiêu, lý do để tin tưởng, đặc tính sản phẩm, kênh phân phối thế mạnh sản phẩm, yếu tố độc nhất sản phẩm, lợi ích sản phẩm và lịch sử sản phẩm. Việc phân hạng, gắn sao sẽ được thực hiện theo 5 mức độ. Hạng 5 sao, tổng điểm trung bình đạt từ 90 - 100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu; hạng 4 sao, tổng điểm trung bình đạt từ 70 - 89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng cấp lên hạng 5 sao; hạng 3 sao, tổng điểm trung bình đạt từ 50 - 69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao; hạng 2 sao, tổng điểm trung bình đạt từ 30- 49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao; hạng 1 sao, tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm khởi điểm tham gia Chương trình OCOP, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.

Nước mắm truyền thống Cana (Thuận Nam) được Hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh phân hạng
là sản phẩm OCOP tiềm năng đạt tiêu chuẩn 5 sao năm 2020. Ảnh: Phan Bình

Anh Hoàng Xuân Hậu, Giám đốc Công ty Cổ phần Nắng và Gió (Ninh Sơn) cho biết: OCOP là chương trình quốc gia đang được triển khai sâu rộng, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân phát triển sản xuất tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Chúng tôi rất phấn khởi khi lần đầu tiên tham gia thì cả 3 sản phẩm (dưa lưới, táo mật và nho xanh) đều được đánh giá sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. Đây là động lực, là cơ hội để Công ty quảng bá sản phẩm, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ toàn quốc và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu tại thị trường thế giới. Là đơn vị mới thành lập và hoạt động trong năm 2019, nhưng Công ty TNHH Nước mắm truyền thống Cana (Thuận Nam) có tới 2 sản phẩm được đánh giá tiềm năng 5 sao. Chia sẻ về động lực để có được những sản phẩm OCOP “đầu lòng”, anh Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Giám đốc công ty khẳng định: Kết quả này chính là “con dấu uy tín” cho người tiêu dùng thấy được chất lượng sản phẩm của đơn vị. Nếu không có sự hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát của cán bộ tổ giúp việc địa phương, chính quyền xã, huyện và các sở, ban, ngành thì Công ty khó đạt được kết quả trong thời gian ngắn.

Đây cũng chính là “quả ngọt” cho địa phương trong công tác chủ động xác định được các sản phẩm có tiềm năng từ sớm để quan tâm đầu tư, thu hút các dự án, chương trình hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vốn đối với các chủ thể. Từ đó chủ thể có điều kiện để đổi mới quy trình sản xuất, thâm canh, nâng cao chất lượng, nâng tầm giá trị sản phẩm… Hiện tại, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020 đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận và gắn sao phân hạng 69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 8 sản phẩm được đề nghị xem xét cấp quốc gia. Song song đó, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đang gấp rút xây dựng điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP để tuyên truyền, quảng bá và nâng tầm các sản phẩm lợi thế của tỉnh; tích cực kết nối với các siêu thị, trung tâm thương mại, địa điểm du lịch… để xây dựng những gian hàng trung bày sản phẩm OCOP trong thời gian gần nhất - Đồng chí Đặng Kim Cương cho biết thêm.

Với tinh thần làm đến đâu chắc đến đó, chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đang từng bước được triển khai thực hiện với kỳ vọng các sản phẩm tiềm năng sẽ hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất và giá trị sản phẩm, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, từng bước cải thiện thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.