Giai đoạn 2015-2020, với sự tập trung chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện Ninh Phước có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM). Tính đến tháng 7-2020, toàn huyện có 19 HTX nông nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến. Để hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, các HTX đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhiều mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật được nhân rộng. Tiêu biểu như mô hình “1 phải, 5 giảm” được triển khai thí điểm tại HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu trong vụ hè - thu 2017 với 56 ha ban đầu đến nay nhân rộng lên 12 cánh đồng lớn tổng diện tích gần 2.000 ha. Các HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú (xã An Hải), HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế (xã Phước Hải)… áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước trong sản xuất các loại cây trồng đặc thù cũng đưa lại lợi nhuận cao. Qua đánh giá tổng kết mô hình, lợi nhuận cánh đồng lớn lúa đạt 30,4 triệu đồng/ha, cao hơn lúa ngoài mô hình 9,1 triệu đồng/ha; lợi nhuận cánh đồng lớn sản xuất bắp giống 44,7 triệu đồng/ha, cao hơn bắp thương phẩm 18,5 triệu đồng ha. Đặc biệt, các mô hình cánh đồng lớn trồng măng tây xanh lợi nhuận thu được 1,1 tỷ đồng/ha, tạo bứt phá trong nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Qua đó, làm thay đổi tập quán sản xuất cũ, giải phóng sức lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần đạt tiêu chí về thu nhập.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An (xã Phước Vinh) thực hiện mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất bắp vụ mùa 2020.
Các HTX nông nghiệp ở huyện Ninh Phước ngày càng được củng cố, phát triển ổn định đó là nhờ có sự quan tâm của ngành chức năng, địa phương trong lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ nhân rộng những mô hình kinh tế có hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, có 8 HTX được tham gia chương trình hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng; trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An (xã Phước Vinh) 1 tỷ đồng, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Mông Nhuận (xã Phước Hữu) 500 triệu đồng, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Quý (thị trấn Phước Dân) 175 triệu đồng, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế 500 triệu đồng, HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ (xã Phước Hậu) 200 triệu đồng. Ngoài ra, thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các HTX được hỗ trợ thực hiện mô hình cánh đồng lớn liên kết sản xuất với doanh nghiệp tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp các HTX có điều kiện đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, thực hiện đổi mới hình thức sản xuất theo tiêu chí NTM. Sản xuất nông nghiệp ở Ninh Phước từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, một số vùng đất thiếu nước chuyển sang trồng các loại cây phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, hiệu quả sử dụng đất được nâng lên. Theo đó, các HTX đã tổ chức sản xuất trên quy mô lớn gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực.
Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Thực tiễn xây dựng NTM ở huyện thời gian qua cho thấy, các HTX nông nghiệp đã có những đóng góp hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn là yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện đã quan tâm hỗ trợ các HTX xây dựng 65 công trình phục vụ sản xuất với tổng mức đầu tư hơn 26,6 tỷ đồng; trong đó, có 51 công trình đường bê tông nội đồng, sửa chữa kênh mương nội đồng.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, đến nay các HTX trên địa bàn huyện Ninh Phước góp phần đảm bảo hoàn thành tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM và tham gia hoàn thành các tiêu chí khác của địa phương. HTX đã khẳng định vai trò là cầu nối cho sự phát triển, trao đổi hàng hóa nông nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng NTM của địa phương.
Anh Tùng