Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII: Có sự kế thừa, phát triển cách tiếp cận của Đại hội XII

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân từ ngày 20/10 đến ngày 10/11/2020.

Ngay sau khi các dự thảo văn kiện được công bố, qua các phương tiện thông tin đại chúng, hầu hết các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) đã đồng tình, nhất trí với dự thảo báo cáo. Theo đó, nội dung các dự thảo văn kiện vừa có tính khái quát cao, tính thực tiễn, phân tích tổng thể những kết quả đạt được; đồng thời, chỉ ra những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Cơ bản chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới đúng đắn, phù hợp

Theo Tiến sỹ Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Nội, chủ đề Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nội dung trong các phần của các văn kiện phản ánh toàn diện, thống nhất, có sự kế thừa, phát triển các văn kiện trong đổi mới, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Văn kiện Đại hội XII. Các báo cáo về kinh tế và xây dựng Đảng mang tính thống nhất và phản ánh đúng tinh thần của Báo cáo Chính trị.

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm ngắn gọn, cô đúc, đúng mực, đúng thực chất, theo đúng thái độ của Đảng trong đổi mới: nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Báo cáo Chính trị có 15 mục, tương ứng với 15 nội dung là phù hợp. Các mục (nội dung) phản ánh đầy đủ, toàn diện sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực, có những điểm mới; 5 quan điểm cơ bản chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới đúng đắn, phù hợp.

Về công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII, báo cáo đề cập phương hướng chung, 10 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá. Đây là sự kế thừa, phát triển cách tiếp cận của nhiệm kỳ Đại hội XII, có những bổ sung cần thiết, đặc biệt là giải pháp đột phá.

Cần đánh giá sâu hơn vai trò của khoa học, công nghệ

Về dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các nhà khoa học nhất trí về phần đánh giá bối cảnh trước và sau Đại hội XII; những nhận định và đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; dự báo bối cảnh quốc tế và khu vực, cơ hội, thách thức và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong 5 năm tới đã nêu sát và phù hợp với thực tiễn.

Để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta giai đoạn 2021-2025, các chuyên gia, nhà khoa học tại Liên hiệp hội Hà Nội thống nhất đề nghị chọn mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 với phương án 1 - là nước đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Một số ý kiến đề nghị đánh giá sâu hơn vai trò của khoa học, công nghệ, đặc biệt là việc ứng dụng sự tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa theo kịp tình hình. Hơn nữa, cần có biện pháp, giải pháp cụ thể để xây dựng, phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa và tiến bộ, công bằng xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay; lựa chọn những mục tiêu, nhiệm vụ để đưa ra những lựa chọn bảo đảm khả năng, tiềm lực, phát huy hết tiềm năng; trong đó, khơi dậy được sức dân, thu phục được lòng dân và tất cả vì mục tiêu phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến một số việc như: “Thực hiện các chỉ tiêu kinh tế cơ bản chưa đảm bảo kế hoạch, kinh tế có sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng”; “Cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh của công nghiệp chưa đạt yêu cầu, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”; “Chất lượng giáo dục đào tạo còn thấp so với yêu cầu phát triển; còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành”. Riêng về nguyên nhân của những hạn chế yếu kém, có ý kiến cho rằng nguyên nhân thứ 3 là nguyên nhân chủ yếu cản trở sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Về dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII, Tiến sỹ Trần Danh Lợi cho rằng các nhà khoa học đều nhất trí với 10 nội dung trong mục I - “Tổng kết công tác xây dựng Đảng” - chưa thấy phần công tác xây dựng Đảng về tổ chức, trong lúc đó mục 4, 5, 6 lại đề cập các khía cạnh liên quan đến tổ chức. Do vậy, Ban soạn thảo nên gộp 3 mục 4, 5, 6 thành mục xây dựng Đảng về tổ chức, vừa thể hiện rõ được 4 nội dung xây dựng Đảng vừa ngắn gọn; cần nghiên cứu đặt “tít” ngắn gọn, không nên dùng những cụm trạng từ ở tiêu đề, vừa trùng lặp vừa chưa hoàn toàn thể hiện đúng bản chất.

Theo đó, tại mục 1 chỉ cần “Công tác xây dựng Đảng về chính trị” (không nên thêm “được đặc biệt chú trọng”, vì đặc biệt chú trọng như thế nào thì thể hiện trong nội dung); mục 2 chỉ cần “xây dựng Đảng về tư tưởng” (không cần phần đuôi “tiếp tục được đổi mới, tăng cường); mục 3 chỉ cần “xây dựng Đảng về đạo đức” (không cần cụm từ “được đề cao”)…

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng cần thể hiện rõ việc thực hiện quyết liệt, thống nhất công tác sắp xếp tổ chức bộ máy để bảo đảm sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, cần bổ sung thêm mệnh đề “công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên được làm chưa tích cực, nhất là sự hiểu biết về Đảng còn mơ hồ; chưa kết hợp chặt chẽ giữa công tác kết nạp đảng viên với sàng lọc đảng viên ở cấp chi bộ cơ sở”. Cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống “chạy chức, chạy quyền” trong Đảng và cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Theo TTXVN/Báo Tin tức