Xác định nhiệm vụ và phong trào của tổ chức hội phải xuất phát từ chính cuộc sống của PN và phải gắn với phong trào thi đua yêu nước của địa phương, với mục đích cuối cùng là giúp cho hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Từ đó, nhiều mô hình “dân vận khéo” được các cấp hội thực hiện tạo sức lan tỏa sâu rộng, giúp cho hội viên vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đặc biệt thông qua phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp hội đã huy động được trên 3,2 tỷ đồng để giúp đỡ cho 1.646 lượt hội viên gặp khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, các cấp hội còn nhận ủy thác với các ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Trong giai đoạn 2016-2020, đã giải ngân trên 1 ngàn tỷ đồng cho trên 50 ngàn lượt hội viên vay vốn phát triển sản xuất.
Nông dân xã Phước Nam (Thuận Nam) thu hoạch cây đậu xanh. Ảnh: V.N
Bà Phan Thị Ngân Hạnh, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Trong 5 năm qua, bám sát vào nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Hội PN tỉnh đã tập trung chỉ đạo đến các cấp hội lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai tổ chức các phong trào thi đua, nổi bật nhất là phong trào PN giúp nhau làm kinh tế, phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ và phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Từ thực tiễn các phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế của hội viên PN và được Trung ương hội, UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao và nhân rộng. Qua đó tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, giúp kinh tế của các hội viên ngày càng phát triển.
Mô hình sản xuất nho an toàn theo hướng VietGAP của gia đình chị Phan Thị Hương ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) là một điển hình. Chị Hương cho biết, trước đây gia đình trồng nho theo phương pháp truyền thống, mỗi năm thu hoạch khoảng 7 tấn nho tươi, nhưng chất lượng thấp, khách hàng kén mua nên lãi không cao. Sau khi được các cấp hội tuyên truyền, vận động, tôi mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang hướng sản xuất nho an toàn VietGAP, nhờ đó năng suất và chất lượng trái nho được khẳng định trên thị trường. Sản phẩm làm ra là có hợp tác xã bao tiêu nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển đi lên. Từ hiệu quả thực tế của bản thân, với vai trò là Chi hội trưởng, Chi hội PN thôn Thành Sơn, chị Hương đã vận động chị em hội viên tham gia mô hình trồng nho theo hướng VietGAP. Đến nay đã thành lập 1 tổ với 30 thành viên, sản xuất trên 6 ha nho. Nhờ tham gia mô hình, sản xuất có hiệu quả nên nhiều chị em vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bà Lê Thị Loan ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) phấn khởi: Từ ngày vào tổ sản xuất nho theo hướng VietGAP thì hầu hết các hộ làm nho đều có lãi cao sau mỗi vụ thu hoạch nhờ có đầu ra ổn định, trái nho đảm bảo an toàn thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành cũng cao, nhờ đó kinh tế gia đình của các hội viên ngày một phát triển.
Với những nỗ lực của các cấp Hội PN trong tỉnh, 5 năm qua đã có 46 tập thể và 241 cá nhân được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh công nhận là điển hình tiên tiến qua các phong trào thi đua. Qua đó, động viên chị em nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu và xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Kha Hân