Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với các sở, ngành của tỉnh

Ngày 6-11, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với các sở, ngành của tỉnh về thực hiện chính sách tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn (LĐNT) gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo việc làm tại chỗ bền vững cho LĐNT. Ban Chỉ đạo thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT các cấp được củng cố, kiện toàn; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, hội, đoàn thể tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, mạnh mẽ công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm; hướng dẫn LĐNT sau học nghề vay vốn để đầu tư sản xuất; giúp đỡ LĐNT hình thành các tổ, đội, nhóm sản xuất theo hướng hàng hóa. Đẩy mạnh tuyên tuyền, hướng dẫn LĐNT lựa chọn học nghề phù hợp với khả năng và yêu cầu của ngành sản xuất nông nghiệp, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Theo thống kê trong giai đoạn 2010-2020, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 35.289 LĐNT (đạt 84,89% so với kế hoạch giai đoạn đề ra) với tổng kinh phí thực hiện trên 61,2 tỷ đồng; đã giải quyết việc làm cho 160.715 lao động, đạt 105,74% kế hoạch giao. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo xu hướng tích cực hơn, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị từ 4,92% ước thực hiện đến năm 2020 là 4,13%. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 59,6% số xã; 1 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn NTM; phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM và 2 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các sở, ngành của tỉnh đã đề xuất với Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương xem xét, kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt và triển khai Đề án đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2021-2030; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chính sách tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực tiễn công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT ở địa bàn này. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ ban hành danh mục các nghề, công việc phải sử dụng lao động; quan tâm hỗ trợ, bố trí vốn theo chương trình mục tiêu dạy nghề việc làm hằng năm để đầu tư kinh phí cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện; tập trung bố trí nguồn lực và ưu tiên nguồn vốn riêng biệt của Dự án đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số; nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho người học nghề, nâng mức phụ cấp lưu động cho giáo viên, người dạy nghề…

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề, tạo và giải quyết việc làm cho LĐNT; qua đó đề nghị tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và quan tâm, chỉ đạo, triển khai hiệu quả công tác này nhằm tạo nhiều chuyển biến hơn nữa trong cơ cấu LĐNT theo hướng lao động công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp; chú trọng đào tạo chuyển đổi nghề, chuyển đổi hình thức dạy nghề phù hợp từng đối tượng, từng khu vực nhằm nâng cao chất lượng LĐNT. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng NTM, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ; giảm chênh lệch thu nhập giữa vùng nông thôn và thành thị. Phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, ngành nghề truyền thống góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông nghiệp, nông thôn, tạo sự chuyển biến nhanh, bền vững. Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và tổng hợp gửi các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết cho địa phương trong thời gian tới.