Huyện Thuận Bắc có 6 xã; trong đó, có 5 xã thuộc vùng khó khăn, gần 70% dân số là đồng bào Raglai và Chăm sinh sống, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 30-9-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện, nhằm tiếp sức, đồng hành cùng với quá trình giảm nghèo tại địa phương, Phòng giao dịch NHCSXH huyện luôn phát huy tốt vai trò chủ lực, triển khai các giải pháp cho vay đảm bảo kế hoạch đề ra. Hiện nay, Phòng giao dịch đang triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng (CTTD) cho vay như: Chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, cho vay đối với các đối tượng sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vay vốn học sinh, sinh viên… Trong 9 tháng năm 2020, doanh số cho vay của đơn vị đạt 66.870 triệu đồng, với 1.714 khách hàng vay vốn, nâng tổng dư nợ đến nay đạt 280.942 triệu đồng, tăng 16.946 triệu đồng so với năm 2019, với 6.755 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Châu Văn Vé, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện, cho biết: Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; Phòng giao dịch từng bước đổi mới phương thức cho vay, đơn giản hóa quy trình thẩm định hồ sơ, rút ngắn thủ tục, phương án đầu tư, nhằm đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến tay các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Các CTTD đã được thực hiện kịp thời và đúng chính sách; trong đó, có gần 70% tổng vốn được ưu tiên cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Ngoài ra, dòng vốn còn hướng đến đầu tư tập trung đối với các xã đang thực hiện các mô hình chuyển đổi kinh tế, thâm canh cây trồng, vật nuôi, kết hợp tăng cường phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hộ vay, đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả cao nhất.
Từ những giải pháp đồng bộ, thiết thực, Phòng giao dịch đã đưa các CTTD chính sách trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo, tạo điểm tựa vững chắc giúp nhiều gia đình gầy dựng cơ sở làm ăn, ổn định kinh tế. Chị Trần Thị Lan Hương, thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong là một trong những hộ điển hình trong vay vốn làm ăn có hiệu quả, năm 2017, sau khi được vay 50 triệu đồng dành cho hộ mới thoát nghèo, chị đầu tư nuôi bò và trồng 1,2 sào măng tây xanh. Từ mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, mỗi năm gia đình thu về gần 70 triệu đồng; nhờ vậy, đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã, cuộc sống ngày càng khấm khá. Song song với tăng trưởng tín dụng, nhằm tạo nguồn vốn mới bổ sung hỗ trợ đắc lực hơn cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đơn vị còn thực hiện tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm. Kết quả từ đầu năm tới nay, thông qua huy động từ Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức, cá nhân đạt trên 42,8 tỷ đồng, tăng gần 3 tỷ đồng so với năm 2019, đạt 92,4% kế hoạch.
Thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc tiếp tục đẩy nhanh các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, nâng cao hoạt động mạng lưới giao dịch tại các xã, quán triệt đến các hội, đoàn thể thực hiện đầy đủ, có chất lượng vốn ủy thác. Đẩy mạnh huy động nguồn lực tài chính, chú trọng kiểm tra, giám sát các đối tượng thụ hưởng chính sách, gắn mục tiêu cho vay sát với thực tế cơ sở, hình thành mô hình kinh tế phù hợp; góp phần thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Hồng Lâm