Theo thống kê của UBND huyện Ninh Phước, đến năm 2020 nguồn nhân lực của huyện có 77.290 lao động trong độ tuổi đang làm việc trong các ngành. Trong đó lao động nông nghiệp 47.432 lao động, chiếm 61,37%; lao động phi nông nghiệp 29.808 lao động, chiếm 38,57%; lao động qua đào tạo 46.412 lao động, chiếm 60,05%. Qua 10 năm (2010-2020) thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT, tỷ lệ lao động trên địa bàn huyện có việc làm đạt 82,8%; LĐNT cơ bản tiếp cận với khoa học-kỹ thuật trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp cũng như thông tin về giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Qua đó, đã tạo cơ hội việc làm và tự tạo việc làm, nâng cao chuỗi giá trị trên cùng một đơn vị sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Nhờ đó đến nay, huyện Ninh Phước có 8/8 xã đạt chuẩn NTM và huyện được công nhận huyện NTM năm 2019.
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Ninh Phước.
Tại buổi làm việc, huyện Ninh Phước đề xuất đoàn công tác quan tâm, nghiên cứu, hỗ trợ việc thực hiện các chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT; có cơ chế đặc thù hỗ trợ vốn vay cho LĐNT trong điều kiện địa phương đã đạt NTM để giúp người lao động giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Đối với tỉnh, huyện đề nghị cần bố trí kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT ngay từ đầu năm để địa phương chủ động triển khai; quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT cấp huyện, cấp xã để thực hiện trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT; đồng thời xem xét nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho học viên lên 50.000 đồng/buổi.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ NN&PTNT Nguyễn Văn Tiến đề nghị huyện Ninh Phước tiếp tục phối hợp với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức dạy nghề cho LĐNT phù hợp với cơ cấu kinh tế - xã hội của địa phương và theo hướng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Trong đào tạo nghề cần gắn với giải quyết việc làm bền vững, đào tạo những nghề có khả năng tự tạo việc làm, những nghề giúp cho người lao động phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Đối với các đề xuất, kiến nghị của huyện, đồng chí ghi nhận và tổng hợp gửi các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết cho địa phương trong thời gian tới.
* Trước đó, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi khảo sát thực tế các mô hình phát triển sản xuất tại một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Ninh Phước.
Diễm My