Để các tập đoàn kinh tế lớn trong nước trở thành trụ cột trong chuỗi giá trị và cung ứng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục ngày thứ ba thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Bên cạnh ý kiến tranh luận về các công trình thủy điện, đại biểu Quốc hội đã đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.

Xung quanh hiệu quả các công trình thủy điện

Trước ý kiến phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Dương Trung Quốc (Đồng Nai) vào chiều 4/11 về thủy điện và các vấn đề môi trường trong dự án thủy điện, tại phiên họp sáng 5/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, hiện đã có quy trình pháp lý quan trọng, bài bản để quản lý và đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án thủy điện như các báo cáo về kinh tế-kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

“Đây là những nhân tố cơ bản giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, đánh giá yếu tố chủ đạo và hiệu quả dự án cũng như mức độ tác động tiêu cực. Không chỉ dừng ở đó, các dự án phải thỏa mãn giải pháp, biện pháp khắc phục hạn chế, tiêu cực để khai thác tốt ưu thế, lợi ích từ dự án”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích.

Liên quan đến vấn đề xâm dụng đất rừng tự nhiên, đại biểu Trần Tuấn Anh cho rằng, trên thực tế, các dự án thủy điện thực hiện các khâu quan trọng. Ở “chốt chặng đầu tiên”, các địa phương phải căn cứ theo thông tư hướng dẫn như Thông tư 43 của Bộ Công Thương về việc xem xét các dự án thủy điện, từ đó bổ sung quy hoạch, nêu rõ tiêu chí sử dụng đất; nếu vượt quá 10 ha đất/MW hoặc xâm dụng đất rừng tự nhiên đều không được xem xét. Do đó, khi đề nghị bổ sung quy hoạch, Bộ Công Thương phải xin ý kiến của nhiều bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Công an cùng nhiều cơ quan khác, đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cũng như mục tiêu ưu tiên quy hoạch.

Về quy trình đầu tư, cấp có thẩm quyền phê duyệt, quản lý dự án trên cơ sở căn cứ vào Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các luật khác. Các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều có trách nhiệm, đặc biệt các địa phương kiểm tra thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo khả thi cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án là một quyết định rất quan trọng, giúp các cấp thẩm quyền thông qua đầu tư, đảm bảo quy định pháp luật và yếu tố môi trường. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải công khai trên các trang điện tử, thông tin điện tử của cơ quan thẩm định”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, căn cứ theo điều 118, điều 127 Bộ luật Xây dựng, các điều khoản Nghị định 46 liên quan đến Luật Điện lực hướng dẫn chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ đã hết khấu hao, hết vòng đời dự án có trách nhiệm thực hiện yêu cầu theo luật định, trong đó báo cáo các cấp có thẩm quyền đánh giá chất lượng hồ, đập, cũng như hướng sử dụng hoặc tháo dỡ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình làm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trước ý kiến giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chiều 4/11, sáng 5/11 “do chính quyền địa phương, do quy hoạch, do khâu tổ chức thực hiện”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng “chưa ổn”, bởi ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện, ở đó gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt, “gió núi mưa ngàn”. “Tức nước vỡ bờ”, việc làm nhiều đập thủy điện khiến nước dâng cao, tìm đường thoát, trái quy luật tự nhiên gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) khẳng định, mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng trong việc xây dựng các nhà máy thủy điện, lựa chọn địa điểm, quy trình, quy phạm kỹ thuật. “Nói đến thủy điện, các nhà chuyên môn nghĩ đến thủy lực, tổ chức dòng chảy, phân nước để tránh thiệt hại cho nhân dân. Nhưng đáng tiếc, một số chủ nhà máy điện lạm dụng quy trình để trục lợi, thông qua phá rừng lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên, rất đáng bị lên án”, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết.

Từ việc đánh giá, xem xét khách quan, nhiều chiều, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra; do đó phải xử động cơ, mục đích khi chọn địa điểm, lạm dụng quy trình thủ tục trục lợi. “Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ.

Tham gia tranh luận, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh về cảnh báo hậu quả của 30-40 năm tới, bởi nếu không nhìn nhận trước sẽ để lại hậu quả cho các thế hệ sau phải giải quyết. Đề xuất giải pháp ngay từ khi mới tham gia, chủ dự án đầu tư phải đóng một khoản tiền “phí môi trường” để xử lý khi dừng khai thác, đại biểu Dương Trung Quốc không đồng tình với cách giải trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình “đến lúc xong mới xử lý”. “Vấn đề tối thiểu khi lấy đất của dân, di rời người dân còn chưa đền bù cho họ thì đừng nói để đến 30-40 năm sau. Ai sẽ là người giải quyết? Ai bỏ tiền ra?”, đại biểu Dương Trung Quốc thắc mắc.

Do đó, liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Cần phải nhìn trước, phải có chế tài, phải có cách để Nhà nước 'nắm đằng chuôi', nếu không, doanh nghiệp tìm cách bỏ đi nhưng không ai làm gì được. Vấn đề đưa ra cần nhìn tất cả các khía cạnh của đời sống, không nên để câu chuyện lợi ích nhóm ngày hôm nay để lại tổn hại cho thế hệ sau này”.

Phát triển những tập đoàn kinh tế mạnh

Bên cạnh các ý kiến tranh luận về các công trình thủy lợi, các đại biểu Quốc hội đưa ra các nhận định, giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025 và giai đoạn 2021-2030 nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), để đánh giá chính xác những thành tựu đạt được về kinh tế-xã hội 5 năm qua, nên chia thành hai thời điểm trước và sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,8% - mức cao của mục tiêu kế hoạch 5 năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm từ 18,6% vào đầu năm 2011 xuống còn 4%. Cán cân thương mại trong nhiều năm liên tục đạt thặng dư dương; tỷ lệ bội chi ngân sách giảm sâu từ 5,4% xuống 3,5%; kéo nợ công từ mức sát kịch trần xuống 55% vào năm 2019. Riêng năm 2020, với quan điểm chỉ đạo “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân” do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng kết quả đạt được trong việc kiểm soát dịch bệnh thành công; tăng trưởng kinh tế dương, Việt Nam trở thành nước dẫn đầu trong khu vực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

“Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, Việt Nam vẫn đạt được thành tựu nêu trên, điều đó cho phép chúng ta có quyền ước mơ khát vọng phồn vinh đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.

Để khát vọng trên trở thành hiện thực, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, có nhiều tiêu chí để xếp các nước vào nhóm các nước phát triển, trong đó có 2 tiêu chí cơ bản: Đó là chỉ số HDI (Chỉ số phát triển con người) và yếu tố tăng trưởng kinh tế đạt mốc 40.000 USD vào năm 2045. Về lý thuyết, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 -7%/năm, sau 10 năm có thể tăng gấp 2 lần. Như vậy đến năm 2030, GDP bình quân đầu người Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 7-8.000 USD; năm 2045 cũng chỉ đạt từ 20-25.000 USD.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, theo kinh nghiệm của các nước “cất cánh trở thành con rồng châu Á” phải có giai đoạn tăng trưởng rất cao, khoảng 10%/năm, dựa vào đầu tư, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, trong đó chú trọng phát triển các tập đoàn lớn trong nước trở thành trụ cột trong chuỗi giá trị và cung ứng. Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 cần tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ tập đoàn kinh tế mạnh, trở thành trụ cột cho nền kinh tế.

“Tôi rất đồng tình với ý tưởng của Hà Nội trong việc xây dựng Dự án tuyến metro số 5 tuyến Văn Cao - Hòa Lạc với mục tiêu thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc; đồng thời trở thành cơ sở thúc đẩy ngành công nghiệp đường sắt. Chúng ta có thể kêu gọi các tập đoàn nước ngoài, thậm chí mua lại dây chuyền công nghệ của nước ngoài để phát triển trở thành người chủ trong chuỗi giá trị phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước. Cũng cần lưu ý rằng, các tập đoàn kinh tế tư nhân nếu được hỗ trợ của Chính phủ có thể thực hiện được những mục tiêu này nhanh, hiệu quả hơn nhiều so với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước”, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định.

Bên cạnh ưu tiên đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất huy động các nguồn lực vốn lớn cho đầu tư phát triển bởi vấn đề không phải là Chính phủ tìm cách hạ thấp tỷ lệ nợ công mà vấn đề cốt yếu phải quản lý nợ công hiệu quả.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nói: “Chúng ta đang chuyển sang giai đoạn thu hút FDI có chọn lọc và tỷ lệ nợ công đang giảm xuống mức khá thấp, do vậy cần phải nghĩ đến chiến lược huy động nguồn tiền bên ngoài vào để doanh nghiệp, tập đoàn trong nước vay, đầu tư kinh doanh. Việc này có hiệu quả hơn nhiều lần so với dựa vào các nguồn vốn đầu tư FDI - lại tự tạo ra cạnh tranh với chính sự phát triển của các doanh nghiệp và tập đoàn trong nước”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường mong muốn, tất cả những quan điểm trên không chỉ nằm trong kế hoạch 2021-2025 mà phải trở thành đường lối hành động chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 trong Nghị quyết của Đảng, cũng như chiến lược của Chính phủ hành động trong thời gian tới.

Theo TTXVN/Báo Tin tức