Vốn ngân hàng thúc đẩy kinh tế phát triển
Trong 5 năm qua, ngành Ngân hàng Ninh Thuận đã triển khai thực hiện tốt chính sách tiền tệ quốc gia với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả, tiếp tục có sự phát triển cả về loại hình tổ chức, số lượng và chất lượng dịch vụ ngân hàng. Từng tổ chức tín dụng (TCTD) đã nâng cao chất lượng hoạt động, nỗ lực trong hiện đại hóa công nghệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 4 chi nhánh Ngân hàng thương mại nhà nước, 7 chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 3 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, 34 chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc, riêng Ngân hàng Chính sách xã hội có 65 điểm giao dịch xã (phường, thị trấn). Ngoài những vị trí kinh doanh thuận lợi, các phòng giao dịch và điểm giao dịch của TCTD được bố trí đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc để phục vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân cũng như nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
Chi nhánh Vietcombank Ninh Thuận đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Ảnh: Phan Bình
Để thu hút và tạo nguồn vốn, các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay đầu tư phát triển KT-XH và đồng thời phát triển hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Ước đến cuối năm 2020, các TCTD trên địa bàn huy động vốn đạt 17.550 tỷ đồng, tăng 9.321 tỷ đồng so với cuối năm 2015, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 18,56% (kế hoạch tăng tối thiểu 15%/năm), đáp ứng khoảng 60,5% nguồn vốn cho vay của các TCTD đối với nền kinh tế; tổng doanh số cho vay cả giai đoạn ước thực hiện đạt 190.000 tỷ đồng, cao gấp 2,02 lần so với doanh số cho vay giai đoạn 2011-2015; tổng doanh số thu nợ ước đạt 173.480 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 29.000 tỷ đồng, tăng 16.520 tỷ đồng so với cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân các năm 2016-2020 đạt 18,3%.
Nhiều nguồn vốn triển khai cho vay theo các cơ chế chính sách, chương trình tín dụng của Chính phủ và của NHNN đã đem lại hiệu quả cao. Điển hình như cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, doanh số cho vay. Hay cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay theo các chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội với 20 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn tỉnh với tổng dư nợ đến cuối năm 2020 đạt 2.340 tỷ đồng, tăng 959 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Các nguồn vốn chính sách đã thực sự là “cần câu” tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ chính sách phát triển sản xuất, chăn nuôi… vươn lên, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Ninh Thuận. Ảnh: VM
Cùng với huy động vốn, đầu tư tín dụng, các TCTD tiếp tục triển khai triệt để và toàn diện Đề án tái cơ cấu lại, Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD; Đề án củng cố, phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020 nhằm phát triển bền vững hệ thống TCTD trên địa bàn theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế. Kết quả hoạt động kinh doanh của các TCTD trên địa bàn hàng năm từ 2016 đến 2019 và 5 tháng đầu năm 2020 hầu hết đều có lãi. Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn các năm luôn nằm trong mức kiểm soát dưới 3%.
Định hướng phát triển
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHNH tỉnh, cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Ngân hàng Ninh Thuận đã triển khai thực hiện tốt chính sách tiền tệ quốc gia với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả, tiếp tục có sự phát triển cả về loại hình tổ chức, số lượng và chất lượng dịch vụ ngân hàng: Huy động vốn tăng trưởng bình quân 18,56%, đầu tư tín dụng tăng 18,3%, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho phát triển KT-XH tại địa phương với lãi suất hợp lý.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân cho người dân tại Điểm giao dịch huyện Ninh Sơn. Ảnh: V.M
Bước sang giai đoạn 2021-2025, hệ thống Ngân hàng Ninh Thuận tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN và UBND tỉnh, nỗ lực tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; gắn tăng trưởng hoạt động ngân hàng với mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai các loại hình dịch vụ nhằm khai thác được các tiềm năng, thế mạnh kinh tế của tỉnh, hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế địa phương; phấn đấu, tăng trưởng huy động vốn tối thiểu 12%/năm; tăng tưởng tín dụng 15-17%/năm, cơ cấu tín dụng sát với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; kiểm soát nợ xấu dưới 3%; thu từ hoạt động dịch vụ tăng 25-30%/năm; các dịch vụ ngân hàng đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị, TCTD trên địa bàn tăng cường huy động vốn và mở rộng đầu tư tín dụng một cách an toàn, hiệu quả và bền vững; cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay. Nguồn vốn ngân hàng sẽ được tập trung vào các lĩnh vực chủ đạo và ưu tiên. Cụ thể là cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; các dự án trọng điểm của tỉnh; cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo đúng quy định của pháp luật... Song song với đó tiếp tục thực hiện các giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, cắt giảm thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong quá trình cạnh tranh, hội nhập, cũng như góp phần vào sự phát triển của tỉnh để đưa Ninh Thuận phát triển toàn diện, trở thành tỉnh khá của cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.
Xuân Bính