Mô tả cây
Đỗ Trọng là một cây to hay nhỏ, có thể cao tới 10m, 20m, luôn luôn xanh tươi. Liên Xô cũ đã biến cây này thành cây nhỏ cao 3-3,5m để tiện cho việc thu hoạch, lá mọc so le, hình trứng rộng, đầu lá nhọn, gốc lá tròn, mép lá có răng cưa, khi đứt lá làm 2-3 mảnh sẽ thấy những sợi nhựa trắng như tơ giữa các mảnh lá đó liền nhau, phiến lá rộng 3,5-6,5cm, dài 6-13cm. Cuống lá ngắn 1-1,5cm. Hoa đơn tính. Hoa đực, hoa cái khác gốc, không có bao hoa. Quả hình thoi dài 3cm, rộng 1cm dẹt, đầu quả xẻ làm hai thành hình chữ V.
Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ: Đỗ trọng vị ngọt hơi cay, tính ôn, vào hai kinh can và thận. Có tác dụng bổ can, thận, mạnh gân cốt, an thai, dùng chữa đau lưng, đi tiểu nhiều, chân gối yếu mềm.
Trong Bản thảo cương mục có chép: “Bàng Nguyên Anh kể lại: Xưa có người thiếu niên mới lấy vợ bị bệnh yếu chân không đi được, uống các thuốc không khỏi, sau có lương y Tôn Lãm bắt mạch đoán rằng bệnh đó do thận hư, cho uống đỗ trọng chỉ trong 10 ngày là khỏi”. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Liều dùng: ngày uống 5-12g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
Tại Liên Xô cũ, từ năm 1951 đã công nhận đỗ trọng là một vị thuốc chính thức để điều trị bệnh cao huyết áp. Dùng dưới dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc rượu đỗ trọng (20% trong rượu 300).
Đơn thuốc có đỗ trọng
Theo Liên Xô cũ: Cao lỏng đỗ trọng: 25g, mỗi lần uống 15-30 giọt. Ngày uống 2-3 lần. Rượu đỗ trọng: 15g, mỗi lần dùng 15-30 giọt. Ngày dùng 2-3 lần.
Đơn thuốc trong đông y: Chữa các bệnh sau khi sinh nở, thai không yên: Đỗ trọng (cạo vỏ, sắc) giã với táo đỏ Trung Quốc (táo tầu) viên bằng hạt đậu. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 viên.
Đức Doãn (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)