Ngay từ đầu năm, huyện Thuận Bắc luôn bám sát tinh thần chỉ đạo của cấp trên, đề ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp với thực tiễn ở địa phương. Trong số 14 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện giao, đến nay đã có 11 chỉ tiêu cơ bản đạt; trong đó, có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra; giá trị sản xuất các ngành ước đạt 4.659 tỷ đồng, đạt 75,6% kế hoạch, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Đồng chí Đặng Ngọc Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Đạt được kết quả trên, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương tập trung xác định những công việc trọng tâm; đồng thời, tăng cường chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn, các xã xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo nhiệm vụ được giao. Trong đó, ưu tiên chú trọng đến công tác ứng phó hạn và tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Điện gió Trung Nam góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: Phan Bình
Nổi bật như lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù nhiều diện tích phải ngưng sản xuất do thiếu nước tưới, tổng diện tích gieo trồng trong 9 tháng chỉ đạt 2.258 ha, nhưng nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên năng suất và sản lượng một số cây trồng chính của huyện đều tăng; bình quân năng suất lúa cả 2 vụ hè-thu và đông-xuân đạt 60,75 tạ/ha, tăng 1,89 tạ so với cùng kỳ năm trước, với sản lượng 6.762 tấn. Trước tình hình nắng hạn, huyện tăng cường chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương thực hiện quyết liệt các phương án ứng phó, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi từ vùng đất lúa sang cây trồng cạn. Từ đầu năm tới nay, toàn huyện chuyển đổi được 74 ha cây trồng, chủ yếu là măng tây xanh, bắp và đậu các loại, nâng tổng diện tích chuyển đổi trên địa bàn đạt trên 352 ha, mang lại thu nhập khá cho nhiều nông hộ trong vùng thiếu nước. Việc tổ chức tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi luôn được quan tâm, chú trọng, các địa phương chủ động đào 6 ao dự trữ nước uống, tăng cường tuyên truyền bà con thực hiện tốt các biện pháp tiêm phòng, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo quản thức ăn trong mùa nắng hạn; nhờ đó, quy mô tổng đàn tiếp tục duy trì và phát triển ổn định. Chương trình phát triển kinh tế miền núi có bước phát triển rõ nét, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ, huyện đầu tư công trình thủy lợi, khai hoang bãi vật liệu hồ Bà Râu cấp đất cho 38 hộ dân khu vực xã Phước Kháng, với diện tích 5,7 ha; đồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất.
Cây măng tây xanh mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp,
đem lại thu nhập cao cho nông dân huyện Thuận Bắc.
Nhằm tạo năng lực phát triển cho ngành Công nghiệp, huyện tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho một số dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động được duy trì công suất phát điện ổn định. Từ đầu năm tới nay, nhiều dự án quan trọng đã được tháo gỡ kịp thời về thủ tục đầu tư, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Điển hình như dự án Điện mặt trời Trung Nam, Điện mặt trời Xuân Thiện, Điện gió Công Hải và một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam đi qua địa bàn huyện đến nay cơ bản đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường phối hợp cùng nhà đầu tư đẩy nhanh thực hiện dự án Khu du lịch Bình Tiên, Khu công nghiệp Du Long. Một trong những hoạt động góp phần tăng trưởng kinh tế ở địa phương trong 9 tháng qua phải kể đến hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị chững lại do tác động của dịch COVID-19, thì nay các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động trở lại, nhiều sản phẩm chủ lực của huyện có sự tăng mạnh như xi măng tăng lên 34%, gạch nung tăng 0,4%, thạch rau câu tăng 17%...
Với sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo, cách làm phù hợp, của cấp ủy, chính quyền các cấp, đã tạo động lực phát triển mới cho kinh tế địa phương. Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp ước đạt 709 tỷ đồng, đạt 53,3% kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng đạt 3.540 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế… tiếp tục được huyện quan tâm, đẩy mạnh. Các chính sách an sinh xã hội triển khai đầy đủ kịp thời; trong 9 tháng đã giải quyết việc làm cho 879 lao động, đạt 97,7% kế hoạch, tạo cơ hội thoát nghèo cho người dân trên địa bàn.
Xác định năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2015-2020 và để tạo đà cho thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, trong những tháng còn lại năm 2020, huyện Thuận Bắc tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, triển khai linh hoạt, hiệu quả phương án sản xuất nông nghiệp; hoàn thành việc xây dựng quy hoạch nông hóa, thổ nhưỡng tại 3 vùng trạm bơm, kết hợp chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa theo hướng bền vững lâu dài; đẩy mạnh hỗ trợ người dân xã miền núi thực hiện đề án Phát triển cây lâu năm và chăn nuôi dưới tán rừng. Tăng cường tháo gỡ khó khăn, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang triển khai trên địa bàn. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động; phát triển mạnh bảo hiểm y tế toàn dân…
Hồng Lâm