Để có được những kết quả trên là nhờ sự huy động các nguồn lực thông qua các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương, đã hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn các huyện, với tổng kinh phí hơn 18,08 tỷ đồng, giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 1- 21 lần so với trồng lúa, tiết kiệm 20 - 30% lượng nước tưới, hạn chế diện tích bỏ hoang và duy trì sản xuất ổn định theo hướng bền vững.
Một trong những địa phương triển khai hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng là xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn). Nếu như trước đây Mỹ Sơn được biết đến là nơi đất đai khô cằn với khí hậu khắc nghiệt, thì nay với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, những vùng đất hoang hóa được thay bằng màu xanh cây trái. Trong đó nhiều loại cây đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất này như: Thanh long ruột đỏ, mít, bưởi da xanh, dưa lưới, nho, táo... Ngoài ra, các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải và Thuận Bắc cũng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại kết quả đáng ghi nhận, như một điểm nhấn để tiếp tục nhân rộng ra toàn tỉnh trong những năm tiếp theo. Điển hình là việc chuyển đổi cây trồng như: Măng tây xanh, bắp, đậu xanh, cỏ chăn nuôi… trên địa bàn huyện Ninh Phước; chuyển đổi cây trồng dài ngày như: Nho, táo, măng tây xanh trên địa bàn xã Xuân Hải (Ninh Hải)...
Cùng với đó, việc thực hiện chuyển đổi cây trồng còn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp, hợp tác xã, với 38 liên kết tham gia đầu tư, liên kết hỗ trợ cho nông dân. Thông qua việc cung ứng giống, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp và hợp tác xã đã giúp nông dân sản xuất hiệu quả, mang lại lợi nhuận khá cao.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, để tạo điều kiện cho ngành Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, UBND huyện đã thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt bằng các mô hình công nghệ cao; chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng đất khô hạn của huyện, nhằm mang lại hiệu quả trồng trọt cho nông dân.
Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh dự kiến chuyển đổi cây trồng khoảng 3.208 ha, trong đó chuyển đổi từ đất lúa 1.525 ha, đất màu khoảng 1.683 ha. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương khai thác hiệu quả lợi thế vùng tiểu khí hậu khô hạn, phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi trên 8.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả thuộc khu vực tưới của các hồ thủy lợi trong tỉnh
Từ kết quả trên cho thấy, chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy là phù hợp với điều kiện thực tế tại các vùng sản xuất thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước tưới phải bỏ vụ, năng suất cây trồng thấp; tạo một số hiệu ứng tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nhất là mở ra hướng đi mới trên đất canh tác lúa nước từ quảng canh, thu nhập thấp sang luân canh có thu nhập cao, tiết kiệm nước.
Cơ Nguyên