Bác sĩ CKI. Đoàn Thị Vân Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ninh Sơn cho biết: Xác định công tác truyền thông, giáo dục về nâng cao chất lượng dân số, đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, những năm qua, Trung tâm Y tế huyện huy động sự vào cuộc của cả hệ thống, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về lợi ích khám sức khỏe tiền hôn nhân, việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; vai trò và lợi ích của chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên; tác hại của nạo phá thai... Bên cạnh công tác tuyên truyền, hằng năm phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện còn ban hành các kế hoạch, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng dân số. Huyện đã tích cực thực hiện các hoạt động, mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số, cung ứng dịch vụ thích hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, như các mô hình: sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân… Qua đó, tạo cơ hội cho phụ nữ vùng dân tộc miền núi, đặc biệt là phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận gần hơn với các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Chị Nơ Khá, thôn Tầm Ngân, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) chia sẻ: Là hộ cận nghèo nên tôi được hưởng lợi nhiều dịch vụ y tế trong suốt thời kỳ mang thai, đến đây tôi được các y, bác sỹ tư vấn kỹ nên khá yên tâm.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ninh Sơn khám thai định kỳ cho phụ nữ ở địa phương.
Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện chú trọng triển khai các chương trình chăm sóc SKSS tại cộng đồng với các nội dung xoay quanh tư vấn sức khỏe vị thành niên; khám sản phụ khoa… Riêng năm 2020, Trung tâm tổ chức khám sức khỏe vị thành niên, thanh niên tại các xã: Lâm Sơn, Hòa Sơn và Ma Nới, qua đó khám phụ khoa, khám thai, siêu âm, xét nghiệm viêm gan siêu vi B... cho gần 300 ca. Để đưa dịch vụ chăm sóc SKSS đến gần với người dân hơn, tại các trạm y tế đều được trang bị các thiết bị máy móc cơ bản như: đo tim thai, siêu âm, điện tim… Cùng với trang, thiết bị y tế, Ninh Sơn cũng chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác chăm sóc SKSS các tuyến cơ sở, hiện tất cả trạm y tế đều có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, qua đó cung cấp kiến thức về cấp cứu sản khoa, cấp cứu trẻ sơ sinh, chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em. Cùng với việc khám, tư vấn trực tiếp tại trạm, cán bộ y tế cơ sở thường xuyên đến các hộ dân, cấp phát thuốc, tiêm phòng các loại bệnh thường gặp trong độ tuổi sinh đẻ; tư vấn, giải đáp các thắc mắc của sản phụ; tăng cường công tác quản lý thai nghén, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho bà mẹ mang thai ở các thôn cách xa Trung tâm. Ngoài ra, hoạt động chăm sóc SKSS còn được triển khai rộng rãi trong các nhóm cộng đồng khác nhau, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên, thanh niên ở các trường học với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác chăm sóc SKSS trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về nâng cao sức khỏe bà mẹ, cải thiện SKSS vị thành niên; giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ em, nâng cao chất lượng dân số. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm thực hiện khám thai cho trên 1.000 lượt phụ nữ, khám phụ khoa cho gần 1.500 chị; đỡ đẻ thành công 379 ca; thực hiện lấy máu gót chân sàng lọc sau sinh cho 45 trẻ… Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chăm sóc SKSS trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn: một số người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; công tác xã hội hóa các phương tiện tránh thai thực hiện còn chậm, hơn 20 cô đỡ thôn bản xin nghỉ do chế độ đãi ngộ thấp, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền tuyến cơ sở.
Để nâng cao chất lượng và dịch vụ chăm sóc SKSS, thời gian tới, huyện mong muốn các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ chế độ phù hợp cho đội ngũ cô đỡ thôn bản; mở rộng đối tượng thụ hưởng dịch vụ y tế miễn phí… giúp chị em có thêm cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS chất lượng, khám và điều trị các bệnh phụ khoa.
Mỹ Dung