Tuấn Tú là thôn đồng bào dân tộc Chăm thuộc xã An Hải (Ninh Phước), có dân số 2.196 nhân khẩu (546 hộ). Do địa hình chiếm phần lớn là đất cát bạc màu và bạch sa động, trong tổng diện tích tự nhiên 458 ha, Tuấn Tú chỉ có 137 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 65 ha ruộng lúa, còn lại là đất rẫy trồng rau màu các loại... Trong những năm qua, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, Tuấn Tú xuất hiện nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là Mô hình giảm nghèo bền vững “Dự án trồng măng tây xanh” do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh triển khai.
Thu mua măng tây xanh tại HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú.
Theo đồng chí Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, dự án trên có tổng kinh phí 390 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2019 của Trung ương MTTQ Việt Nam. Đây là vốn vay không lãi và thu hồi sau khi kết thúc dự án với thời gian thực hiện 36 tháng. Từ cuối tháng 9-2019, có 24 hộ của thôn Tuấn Tú bắt đầu tham gia thực hiện dự án, trong đó có 11 hộ nghèo, cận nghèo và 13 hộ khó khăn. Được sự phối hợp của địa phương, sau khi xây dựng Dự án trồng măng tây xanh Hà Lan kết hợp tưới nước tiết kiệm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh liên kết với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, Trang trại nông nghiệp Tiên Tiến theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các hộ thực hiện đúng theo mục đích, mục tiêu của dự án. Đến nay các hộ đã xuống giống với tổng diện tích 3,9 ha, trong đó có 2,5 ha (14 hộ) đang thu hoạch (trung bình mỗi ngày một hộ thu hoạch được 7kg/sào) và 1,4 ha mới xuống giống gần 3 tháng. Với giá bình quân 50.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú thu mua 175kg măng tây xanh của 14 hộ trên với tổng số tiền 8,75 triệu đồng.
Anh Từ Công Ý, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Tuấn Tú, cũng là Kế toán HTX cho biết: Mỗi hộ tham gia dự án nhận được 15 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun tia), tưới tràn. Trung bình mỗi sào trồng măng tây xanh phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng, HTX đầu tư cho bà con mua nợ giống rồi trừ dần khi thu hoạch. Sản phẩm làm ra được HTX hợp đồng với Công ty Tiên Tiến bao tiêu toàn bộ. Bước đầu dự án mang lại hiệu quả, hộ nghèo tham gia giờ có thu nhập ổn định, có cơ hội cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo. Theo anh Ý, nếu một gia đình có diện tích canh tác 1-1,5 sào măng tây xanh thì đủ mưu sinh được, thậm chí có thể dư dả nhờ tận dụng phế phẩm từ măng tây xanh làm thức ăn nuôi bò. Từ hiệu quả cây măng tây xanh mang lại, một số hộ đang có nhu cầu muốn đăng ký mở rộng thêm diện tích trồng. Ông Kiều Hầm, chủ hộ tham gia dự án, có 1 sào măng tây xanh cho biết hằng ngày thu hoạch ổn định từ 6-10 kg, trừ chi phí mỗi sào có thu nhập 7 triệu đồng/tháng, nếu thu hoạch đạt 10-12 kg, thu nhập có thể lên 9-10 triệu đồng/tháng, vì vậy ông đang mở rộng diện tích, đợi khi có giống sẽ trồng thêm 1,5 sào.
Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) trồng măng tây xanh đạt hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: Văn Nỷ
Theo Ban công tác Mặt trận thôn Tuấn Tú, ngoài 15 triệu đồng từ dự án của MTTQ tỉnh, người tham gia còn được MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 10 triệu đồng để mua giống (tương đương 1.000 cây). Thông thường 1 sào măng tây xanh cần trồng 2.000 cây nên phần giống còn lại được HTX đầu tư. Hiện nay, tính cả ngoài dự án, diện tích trồng măng tây xanh ở Tuấn Tú khoảng 75 ha, bao gồm: 35 ha của HTX, 20 ha của Trang trại Tiên Tiến và 20 ha do người dân trồng. Có mặt trên vùng đất này từ 9 năm trước, cây măng tây xanh không chỉ thích ứng khí hậu, thổ nhưỡng mà còn giữ vị thế là cây trồng chủ lực của địa phương. Theo ông Từ Văn Hay, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, măng tây xanh chỉ nặng vốn đầu tư ban đầu (trong đó 50% là tiền mua giống), người trồng mất 3 tháng ươm giống và 5 tháng trồng, rồi cứ thế thu hoạch hằng ngày cho đến 9 năm sau mới phải phá bỏ trồng lại. Bà Kiều Thị Lo, thành viên HTX trồng 2,5 sào măng tây xanh, chia sẻ rằng với sản lượng thu hoạch trong 10 ngày đã cho thu nhập được 7-8 triệu đồng. Đang nuôi 1 con trai học lớp 11, với thu nhập này bà tin khả năng có thể nuôi con học tiếp lên đại học.
Điều đáng nói không chỉ giúp người nghèo vươn lên, măng tây xanh còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên tại chỗ cho người lao động, những gia đình không có đất canh tác nhờ vậy không phải bỏ xứ đi xa làm ăn. Với tiền công được tính 150.000 đồng/ngày cho nữ và 250.000 đồng/ngày nếu là nam, người lao động tại thôn hiện giờ có công ăn việc làm ổn định. Vừa rồi đại dịch COVID-19 có gây ảnh hưởng tiến độ sản xuất măng tây xanh, làm HTX giảm 50% sản lượng thu mua nhưng toàn bộ người dân tham gia dự án vẫn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm đúng kế hoạch triển khai. Đến nay, tình hình bình ổn trở lại, Ban công tác Mặt trận thôn Tuấn Tú nhận định 24 hộ tham gia dự án trồng măng tây xanh này đảm bảo đều thoát nghèo trong thời gian tới. Với dự án này, thôn Tuấn Tú thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời góp phần cho HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú thực hiện tốt khâu liên kết chuỗi giá trị.
Bạch Thương