Nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà ngày càng tăng

Ninh Thuận là khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, với tỷ lệ bức xạ trực tiếp trung bình luôn cao, có thời gian chiếu sáng trung bình hơn 12 giờ mỗi ngày. Do đó, là địa phương có điều kiện tiếp nhận một lượng lớn bức xạ mặt trời cao nhất cả nước, với tổng số giờ nắng trung bình đến 2.837,8 giờ/năm. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để khai thác điện mặt trời (ĐMT), trong đó có ĐMT mái nhà.

Nhận thấy việc lắp đặt ĐMT trên mái nhà được Nhà nước khuyến khích, ngoài lợi ích giảm chi phí tiền điện, bảo vệ môi trường, có thể bán điện dư cho ngành điện lực và được trả tiền hằng tháng theo giá quy định của Chính phủ, hộ anh Nguyễn Văn Ngọc, ở Khu phố 1, phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đã đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà. Anh Ngọc cho biết: Qua tìm hiểu lợi ích của ĐMT mái nhà, gia đình đã đầu tư hơn 200 triệu đồng, lắp đặt 15kW điện. Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, hệ thống điện của gia đình đã làm giảm chi phí tiền điện hơn 1 triệu đồng/tháng và được ngành điện mua số điện dư hàng tháng hơn 4 triệu đồng. Mái nhà được che bởi các tấm pin cũng trở nên mát mẻ, thân thiện với môi trường hơn so với trước. Việc vận hành hệ thống điện cũng khá đơn giản, thuận lợi; sử dụng điện trong gia đình cũng trở nên thoải mái và tiện nghi hơn.

Nhiều hộ dân đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà, mang lại hiệu quả kinh tế.

Theo Công ty Điện lực Ninh Thuận, tính đến ngày 31-7, toàn tỉnh đã có 1.257 khách hàng lắp đặt ĐMT mái nhà, với tổng công suất lắp đặt 72,375 MWp. Riêng trong năm 2020, Điện lực Ninh Thuận đã thực hiện gắn công tơ hai chiều cho 648 khách hàng, với tổng công suất lắp đặt 30,514 MWp. Hiện nay, nhu cầu phát triển ĐMT mái nhà trên địa bàn tỉnh còn khá cao, nhờ vào chính sách khuyến khích của Nhà nước và điều kiện tự nhiên phù hợp tại địa phương.

Bên cạnh những thuận lợi thì việc lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà hiện nay cũng đang gặp một số khó khăn như: Chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các hộ gia đình gặp khó khăn về vốn. Mặt khác, cần không gian mái nhà đủ lớn để lắp đặt mới có thể thu được năng lượng hiệu quả như mong muốn. Hiện nay, do nhu cầu lắp đặt ĐMT mái nhà cao, khách hàng đề nghị đấu nối nhiều nên tại một số địa phương đã bắt đầu có tình trạng quá tải cục bộ; nhất là tại một số trạm biến áp công cộng và lưới điện 220kV ở một số khu vực có phụ tải điện nhỏ.

Ông Trương Ngọc Vũ, Phó trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết: Nhằm đẩy mạnh phát triển ĐMT mái nhà trên địa bàn tỉnh, Công ty Điện lực Ninh Thuận đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó khuyến khích khách hàng phát triển ĐMT tại các khu vực còn nhiều khả năng tiếp nhận, đồng thời triển khai thực hiện nâng cấp lưới điện, tính toán vận hành lưới điện một cách tối ưu để tiếp nhận công suất ĐMT mái nhà. Trong thời gian tới, Công ty Điện lực Ninh Thuận tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để khách hàng phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, cũng như lắp đặt kịp thời công tơ 2 chiều miễn phí cho khách hàng, ghi nhận sản lượng điện và thanh toán tiền điện hàng tháng theo quy định. Công ty đã phối hợp các tổ chức đoàn thể đào tạo 110 tư vấn viên về ĐMT mái nhà nhằm hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng về vấn đề chính sách, kỹ thuật, chi phí của hệ thống điện năng lượng mặt trời để khách hàng dễ dàng nắm bắt thông tin, đầu tư hợp lý. Ngoài ra Điện lực Ninh Thuận cũng công bố thông tin trên website về khả năng hấp thụ nguồn ĐMT mái nhà tại các khu vực; cập nhật tình hình lưới điện hàng tuần để nhà đầu tư xem xét vị trí, quy mô đầu tư hệ thống ĐMT mái nhà phù hợp.