Phát biểu tại Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế nông sản, thực phẩm Việt Nam 2020 sáng 24/9 tại Hà Nội, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, thương mại quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19, dẫn tới chuỗi cung ứng trong ngành Nông sản, thực phẩm bị đứt gãy, trong khi nhu cầu thực phẩm tăng mạnh.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhanh chóng khống chế, kiểm soát hiệu quả sự xâm nhập và lây lan của đại dịch này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm duy trì hoạt động sản xuất, cung ứng an toàn, ổn định cho thị trường trong nước và quốc tế.
"Việt Nam là sự lựa chọn lý tưởng trong bối cảnh hiện nay khi có nguồn cung cấp nông sản, thực phẩm phong phú với chất lượng đảm bảo, phù hợp nhiều phân khúc tiêu thụ khác nhau để cung ứng cho thị trường quốc tế", ông Phú nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội nghị.
Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) cũng cho rằng, Việt Nam có năng lực đảm bảo các yêu cầu từ phía những nhà nhập khẩu về hàng nông sản, thực phẩm. Việt Nam hiện có hơn 6.335 ha hoa quả áp dụng VietGAP/GlobalGAP và đã được cấp mã số vùng trồng đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam có hơn 5.000 ha trang trại thuỷ sản được công nhận áp dụng VietGAP/GlobalGAP; 100% trang trại cá basa xuất khẩu được cấp mã xuất xứ; 100% tàu đánh bắt cá cam kết nói không với đánh bắt cá trái phép (IUU fishing); 100% cơ sở chế biến áp dụng hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) và các cơ chế chứng nhận chất lượng khác về an toàn thực phẩm, sinh thái, trách nhiệm xã hội... trong nước và quốc tế. Đến nay, sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 170 quốc gia và khu vực.
Ở góc độ môi trường đầu tư, theo ông Công, Việt Nam đang phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đưa sản phẩm vượt trội về chất lượng, thương hiệu, tuân thủ những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm...; qua đó, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh. Đáng chú ý, Việt Nam luôn cải cách hành chính và có nhiều chính sách tốt tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Về phía nhà nhập khẩu, ông Johnny Ting, Giám đốc Công ty TIK International, Singapore khẳng định, các sản phẩm của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang Singapore và ra thế giới.
Tuy nhiên, ông Johnny Ting cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam những đòi hỏi của thị trường Singapore về hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể như, hàng hóa muốn vào được thị trường Singapore, sản phẩm phải có thông tin dinh dưỡng, chứng chỉ HACCP, chứng chỉ ISO (nếu có)...
Cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Dự án để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, bà Dương Kim Liên, Phó Giám đốc Dự án USAID LinkSME nhấn mạnh, USAID LinkSME sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, cụ thể là Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu cùng các hiệp hội ngành hàng để ngày càng có thể hỗ trợ được nhiều hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Vũ Bá Phú khẳng định luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài có thêm nhiều cơ hội kết nối kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài.
Sau phiên hội nghị, doanh nghiệp Việt Nam cùng các nhà nhập khẩu quốc tế đã bước vào các phiên giao thương trực tuyến 1:1. Tại các phiên này, doanh nghiệp Việt Nam thực hiện giới thiệu, quảng bá với nhà nhập khẩu đa dạng chủng loại mặt hàng như: rau củ quả (tươi, khô, cấp đông...), gạo, đỗ, ngô, khoai, đồ uống (chè, cà phê, sữa, nước ép trái cây), bánh kẹo, thủy sản, hạt tiêu, quế, hồi, mì, miến...
Theo TTXVN/Báo Tin tức