Cụ thể, dự kiến, ngày 16/9, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sẽ xuất khẩu lô hàng chanh leo và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp 404 xuất khẩu cà phê; ngày 17/9 Công ty VINA T&T Group cũng sẽ xuất khẩu lô rau quả gồm bưởi, dừa, thanh long với những ưu đãi theo Hiệp định EVFTA.
Nông dân HTX Long Trì (huyện Châu Thành, Long An) thu hoạch thanh long xuất khẩu. Ảnh: TTXVN
EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2 - 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua). Trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng cà phê được nhận định có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU trong thời gian tới khi EU xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang, giảm từ 7 - 11% xuống 0%; các loại cà phê chế biến từ giảm 9 - 12% xuống còn 0%.
Đã có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ; trong đó có cà phê Buôn Ma Thuột, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, thời gian tới, ngành cà phê Việt Nam sẽ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU, đặc biệt các tiêu chuẩn về chất lượng và phát triển bền vững, đưa Việt Nam là điểm tham chiếu cho cà phê Robusta toàn cầu.
Về rau, quả tươi, hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand....
Rau quả Việt Nam cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8 vừa qua. EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả.
Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam, với nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...
Điều này đã được chứng minh khi giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 8 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Điển hình như sản phẩm chanh leo, Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo hàng đầu khu vực do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất và nhu cầu gia tăng, đặc biệt là các thị trường cao cấp. Hiện chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu tới cả các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Sỹ...
Bên cạnh đó, chanh leo cũng là sản phẩm có tỷ lệ chế biến chiếm tỷ trọng cao, trên 65% tổng giá trị chanh leo xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong các loại trái cây, năm 2019 tăng hơn 50% so với 2018.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đàm phán mở cửa thị trường cho chanh leo quả tươi vào các thị trường lớn khác như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Do đó, tiềm năng xuất khẩu chanh leo của Việt Nam còn rất lớn.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn ủng hộ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn.
Bộ cũng mong muốn các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội, lợi thế tại thị trường EU, tiếp tục cải tiến công nghệ, phát triển các sản phẩm chế biến sâu để phục vụ tốt nhất cho thị trường này.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp định EVFTA đã tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nâng cao khả năng cạnh tranh nhờ ưu đãi về thuế, nhất là hàng hóa nông sản.
Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu khoảng 160 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 8% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo thống kê sơ bộ sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Ước tính sơ bộ cho thấy giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU tháng 8/2020 là 350 triệu USD, tăng trưởng ở mức 17% so với tháng 7/2020.
Năm 2019, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào EU có giá trị 4,6 tỷ USD. EU là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam.
Theo TTXVN/Báo Tin tức