Toàn huyện Thuận Bắc có 6 xã, với 11.016 hộ; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 67,4%; có 3 xã: Phước Kháng, Phước Chiến và Bắc Sơn thuộc khu vực miền núi đặc biệt khó khăn, diện tích canh tác chủ yếu thuộc đất rừng và đồi núi lại thường xuyên chịu tác động của hạn, nên hoạt động sản xuất không được thuận lợi. Nhận diện khó khăn trên, ngay từ những năm đầu thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ; ngoài việc tổ chức phổ biến đến cán bộ, đảng viên về mục tiêu, các chỉ tiêu của nghị quyết, địa phương còn ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, kế hoạch triển khai thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Hệ thống thủy lợi hồ Bà Râu, tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp khu vực miền núi Thuận Bắc. Ảnh: Hồng Lâm
Xác định kinh tế nông-lâm nghiệp là vai trò chủ đạo trong cơ cấu sản xuất và phù hợp với tập quán canh tác của nông dân miền núi, giải pháp xây dựng đồng bộ các mô hình sản xuất gắn liền với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng từng vùng được huyện hướng tới. Để làm được điều này, huyện chú trọng công tác quy hoạch, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, hướng người dân hình thành các vùng chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế ở các xã miền núi. Từ việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể, khắc phục cơ bản yếu tố bất lợi về điều kiện tự nhiên, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có giá trị. Có thể kể đến như: Mô hình sản xuất bắp lai, cho năng suất đạt 5 tấn/ha/vụ; mô hình thâm canh cây mía 39 ha, năng suất 60 tấn/ha; cây mì năng suất 20 tấn/ha; mô hình “1 phải 5 giảm” trên cây lúa 260 ha ở xã Bắc Sơn, đạt 71 tạ/ha. Nhiều loại cây trồng như mít, mãng cầu dai, chuối được nông dân 2 xã Phước Kháng, Phước Chiến đưa vào trồng trên vùng đất núi với diện tích khoảng 200 ha, cho thu hoạch đạt trên 100 tấn mỗi năm… Điểm nổi bật trong hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, huyện tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, địa phương đầu tư xây mới 1 trạm bơm thôn Xóm Bằng (Bắc Sơn), kiên cố hóa 13 km kênh mương các loại; xây dựng 4 công trình thủy lợi nhỏ ở xã Phước Kháng, Phước Chiến, với kinh phí trên 14 tỷ đồng. Nhờ đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thủy lợi, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp người dân xã Phước Kháng có điều kiện phát triển chăn nuôi.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cũng được quan tâm, chú trọng. Điển hình tại xã Phước Kháng, trong 5 năm qua, từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trên địa bàn xã có 182 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ 10.000 giống cây trồng, 38 hộ được cấp hơn 5,5 ha đất sản xuất theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã, nhìn nhận: Tác động từ các chính sách hỗ trợ đặc thù của Nhà nước trong thời gian qua không chỉ tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ở địa phương mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân; thúc đẩy tỷ lệ hộ nghèo bình quân của xã giảm 3,5%/năm. Đặc biệt, với thế mạnh về địa hình, chăn nuôi tại khu vực miền núi trong vài năm trở lại đây có bước chuyển biến nhất định, chủ trương phát triển tổng đàn gia súc có sừng theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ được đẩy mạnh. Các hộ nằm trong diện hưởng lợi từ chương trình, dự án được hướng dẫn chăm sóc theo hướng an toàn sinh học, thành lập các tổ nhóm chăn nuôi gà, heo đen phù hợp với điều kiện địa phương. Kết quả từ hoạt động chăn nuôi, mở ra hướng đi mới giúp người dân thoát nghèo bền vững. Chị Ka tơr Thị Siêu, ở thôn Suối Le, xã Phước Kháng, chia sẻ: Với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp xã, 5 con dê nái bách thảo vừa được Nhà nước hỗ trợ phát triển khá tốt. Đây là nguồn vốn thiết thực giúp gia đình có điều kiện gầy dựng kinh tế, ổn định cuộc sống.
Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, địa phương trong thực hiện phát triển kinh tế-xã hội miền núi, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng đều mỗi năm, bình quân thu nhập đầu người vùng miền núi đạt 20,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,67%/năm. Đồng chí Đặng Ngọc Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Phát huy kết quả đạt được, trong những năm tới, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế miền núi; chú trọng lồng ghép sử dụng hợp lý nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu, thực hiện linh hoạt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Phấn đấu tăng thu nhập bình quân lên 1,5 lần so với hiện nay, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 3-4%.
Hồng Lâm