Thời gian qua, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26-10-2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo đã đạt được nhiều kết quả. Riêng ngành Thủy sản giữ được vai trò là một trong những ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, giá trị sản xuất tăng bình quân 7-8%/năm. Những năm cuối kỳ 2016-2020, mặc dù ngành Thủy sản gặp khó khăn về thời tiết diễn biến thất thường, nguồn lợi thủy sản giảm, nhưng nhờ ngành chức năng, các địa phương triển khai có hiệu quả chương trình khai thác xa bờ, nên vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, sản lượng khai thác năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2020, khai thác hải sản đạt hơn 89.321 tấn, tăng 2,3% so cùng kỳ; sản xuất giống thủy sản đạt 28,5 tỷ con, tăng 8,1% so cùng kỳ 2019.
Ngư dân Thanh Hải (Ninh Hải) chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: B.T
Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Đạt được kết quả, đó là nhờ các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tiêu biểu là thực hiện tốt Nghị định 67/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, khuyến khích ngư dân đầu tư tàu thuyền công suất lớn, trang thiết bị hiện đại vươn khơi dánh bắt dài ngày, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đến nay, có 43 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá, với tổng dự toán 489,328 tỷ đồng, hiện tất cả các dự án đã hoàn thành, gồm 1 tàu vỏ thép, 24 tàu vỏ composite, 18 tàu vỏ gỗ, đa phần hoạt động có hiệu quả.
Việc triển khai Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản cũng để lại dấu ấn tích cực, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra là khai thác hợp lý nguồn lợi tự nhiên phù hợp với định hướng phát triển ngành. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đầu tư phương tiện khai thác, đến nay các hộ khai thác hải sản bằng hình thức mang tính hủy diệt nguồn lợi đã chuyển sang các nghề thích hợp, giảm 25% số lượng tàu cá có tổng công suất máy chính nhỏ dưới 20CV. Toàn tỉnh có 1.184 tàu công suất từ 90 CV trở lên; trong đó, 770 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi. Tính đến đầu tháng 6-2020, toàn tỉnh có 587 tàu cá được gắn thiết bị giám sát hành trình, chiếm 76,2% số lượng tàu cá hoạt động khai thác hải sản vùng khơi. Về mục tiêu nhân rộng tổ chức hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín cũng được quan tâm thực hiện, 100% số tàu là thành viên các tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển. Chi Cục thủy sản cũng đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng thí điểm mô hình nghiệp đoàn nghề cá trên biển tại xã Phước Diêm (Thuận Nam), hoạt động sản xuất theo chuỗi khép kín; đồng thời, mở lớp đào tạo 6.364 thuyền viên tàu cá; trong đó, 2.607 thuyền trưởng, 1.213 máy trưởng, số còn lại là thuyền viên.
Nông dân Ninh Hải chăm sóc thủy sản. Ảnh: Văn Miên
Ngành khai thác thủy hải sản ngày càng phát triển theo hướng bền vững, tổng sản lượng khai thác hải sản hàng năm tăng bình quân từ 1,8 - 2,2%; trong đó, sản lượng khai thác tại vùng khơi chiếm 60 - 75% tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá cũng được quan tâm đầu tư đồng bộ, trọng tâm là nâng cấp, mở rộng các cảng cá Mỹ Tân, Ninh Chữ, Đông Hải, Cà Ná thành các trung tâm thương mại nghề cá, khu tránh trú bão của tỉnh và khu vực miền Trung. Thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước, tỉnh quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng nuôi tôm giống và tôm thương phẩm tập trung, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy chế biến, cung cấp con giống chất lượng cao cho các hộ nuôi trong cả nước. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.400 ha, trong đó diện tích nuôi tôm khu vực Đầm Nại, An Hải, Sơn Hải, Từ Thiện 1.000 ha; tổng sản lượng nuôi, trồng thủy sản đạt 18-20 nghìn tấn/năm; sản lượng tôm post khoảng 36 tỷ con/năm.
Có thể nói, trong quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản là điểm sáng. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới trong phát triển sản xuất thủy sản nói chung và lĩnh vực khai thác hải sản nói riêng đã được các cơ quan chức năng trong tỉnh quan tâm và đẩy mạnh, nhằm từng bước chuyển đổi và du nhập những nghề khai thác hải sản có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương về công suất tàu thuyền, trang thiết bị, ngư cụ và ngư trường khai thác, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho ngư dân. Ngành Thủy sản đang ngày càng phát triển lên tầm cao mới khi hiện nay UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Ninh Thuận, tổng mức đầu tư khoảng 561 tỷ đồng (gồm các tiểu dự án: Nâng cấp, mở rộng Cảng cá Đông Hải, Cảng cá Mỹ Tân; Nâng cấp, mở rộng khu sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải; Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho công tác khảo nghiệm, kiểm định giống thủy sản Ninh Thuận) và Dự án Xây dựng Cảng cá Cà Ná loại I kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, tổng mức đầu tư khoảng 333 tỷ đồng.
Việc ngành Thuỷ sản được đầu tư đúng mức, đúng hướng đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao năng lực tàu thuyền, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho ngư dân.
Anh Tùng