Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ 48, cuối chiều 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Các ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình, báo cáo đủ điều kiện trình Quốc hội. Cả 8 vấn đề nêu ra trong Nghị quyết số 76 đều đã được kiểm điểm nghiêm túc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Chính phủ với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm đã kiểm điểm rõ các nội dung theo chỉ đạo, điều hành thực hiện các nội dung này; có sự nỗ lực của các bộ, ngành ở Trung ương. Những đánh giá nêu ra trong báo cáo có căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn.

Quang cảnh phiên khai mạc Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Các ý kiến cũng đề nghị đánh giá thêm và thống nhất về số liệu. Các đại biểu cho biết, báo cáo về tỷ lệ thoát nghèo của các tỉnh đều rất tốt, song các đại biểu vẫn đề nghị các địa phương cần chú trọng thực hiện chính sách để các hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Một số ý kiến đề nghị báo cáo rõ hơn về số liệu tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh, tránh nhầm lẫn trong thực hiện chính sách. Báo cáo cũng cần đánh giá thêm hiệu quả của việc thực hiện chính sách giao đất ở, đất sản xuất, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cần tăng nguồn lực, huy động nguồn lực xã hội hóa và thực hiện các chính sách khác tăng cường đầu tư cho hộ nghèo, vùng nghèo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Phát biểu ý kiến về kết quả làm việc với một số tỉnh trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng trước kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo ở nhiều địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều tỉnh đã giảm xuống dưới 1%. Có tỉnh đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, rà soát lại các đối tượng thuộc hộ nghèo. Nhiều đối tượng được xếp vào diện hộ nghèo nhưng thực chất là thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội. Ví dụ: Người già không có sức lao động, người khuyết tật… là những đối tượng yếu thế trong xã hội, không thể nỗ lực cho cuộc sống khá hơn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nêu ý kiến về việc khi giao chỉ tiêu cho các tỉnh, các huyện về thực hiện mục tiêu giảm nghèo thì tất cả đều đạt chỉ tiêu đề ra, trong khi đó có địa phương luôn kêu ca nguồn lực còn khó khăn; hay có địa phương đưa hộ nghèo về diện hộ cận nghèo, nên tỷ lệ thoát nghèo thì đạt chỉ tiêu, nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng đột biến. Từ đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị rà soát kỹ số liệu, đặt vấn đề là tỷ lệ giảm nghèo đã bền vững chưa hay còn có "bệnh thành tích" ở một số địa phương.

Trước đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Ngày 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc.

Theo TTXVN/Báo Tin tức