Sức vươn lên của một thành phố trẻ
Gần 20 năm, kể từ ngày tái lập, cùng với quá trình đi lên của tỉnh, PR-TC cũng không ngừng đổi mới. Đặc biệt trong thập niên đầu của thế kỷ 21, Đảng bộ và nhân dân PR-TC đã nổ lực phấn đấu, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, trở thành đô thị loại 3 vào năm 2005, vươn lên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2007. Thành quả này rất đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân thành phố, biến mục tiêu Nghị quyết của Đảng thành hiện thực, tạo nên diện mạo, vị thế mới.
Đường Thống Nhất, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Duy Anh
Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có diện tích khoảng 79km2, qui mô dân số 161.000 người; 16 xã, phường, 117 thôn, khu phố. Là thành phố trẻ, với tiềm năng đất đai và lợi thế đô thị ven biển miền Trung, thành phố không ngừng phát triển khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của tỉnh, đồng thời, trong quá trình đó, cũng đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, nước thải, trồng cây xanh.. hướng tới xây dựng đô thị bền vững, môi trường thân thiện, bảo đảm cho con người có cuộc sống tốt hơn, góp phần xây dựng tỉnh ta xanh-sạch-dẹp, trở thành điểm đến của tương lai.
Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ khá nhanh và những hệ lụy về ô nhiễm môi trường sẽ là thách thức đối với thành phố! Ngay từ đầu, thành phố đã phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh, gắn qui hoạch đô thị với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tập trung đầu tư dự án cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết nước thải sinh hoạt và chống ngập úng cục bộ trên địa bàn. Hệ thống giao thông phát triển rộng khắp, cùng với mở rộng không gian đô thị, hình thành các khu dân cư đông đúc. Xây nhà chung cư, nhà liên kế, nhà ở cho người thu nhập thấp. Hệ thống chiếu sáng công cộng, nước sinh hoạt bao phủ hầu hết khắp địa bàn. Đặc biệt, thành phố dành nhiều kinh phí đầu tư công viên, trồng cây xanh dọc đường, trong trường học, xây dựng hồ sinh thái. Cùng với Công viên 16 Tháng Tư, xây dựng khu đô thị - công viên biển Bình Sơn, sẽ là kiến trúc cảnh quan làm điểm nhấn tô thêm vẻ đẹp của một thành phố trẻ. Diện tích cây xanh thành phố đạt 5, 9m2/người, cao hơn bình quân cả nước.
Việc huy động sức dân giữ gìn môi trường, nâng chất lượng dịch vụ trong quản lý, thu gom rác thải không tiếp đất đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được chú trọng để nâng cao nhận thức dân cư ở thôn, khu phố bảo vệ môi trường, như không vứt rác, đổ nước ra đường; trồng và giữ gìn cây xanh; mỗi tháng huy động làm vệ sinh ở cơ quan, địa bàn thôn, khu phố; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ môi trường.
Để tương xứng tầm vóc mới, thành phố đặt nhiệm vụ trọng tâm huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Không gian thành phố sẽ được mở rộng kết nối về phía đông - đông bắc, phía tây và vùng ven biển. Từ đó, hệ thống giao thông được xây dựng, hình thành các tuyến đường: Đường đôi hai cửa ngõ vào thành phố, đường ven biển, đường Phan Đăng Lưu, Hải Thượng Lãn Ông, đường Trần Phú - Nguyễn văn Cừ - Nguyễn Thị Minh Khai, mở rộng đường Trường Chinh; hình thành khu đô thị đông bắc (khu K1,K2), Trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới chợ xã, phường sẽ được đầu tư…
Quá trình đô thị hóa vì thế diễn ra tốc độ nhanh hơn làm gia tăng áp lực dân số, việc làm, nhà ở. Một số diện tích đất nông nghiệp - mảng màu xanh lúa, vườn cây nhường cho các công trình xây dựng nhà ở, giao thông, công sở; kéo theo vấn đề phố hóa quốc lộ, tỉnh lộ diễn ra, khói bụi, rác thải.. đó vẫn là những vấn nạn cũ, nhưng mức độ cao hơn đe dọa xã hội đô thị, ảnh hưởng xấu sức khỏe con người và phát triển kinh tế!
Vì một thành phố phát triển bền vững
Thành phố PR-TC cũng đang không ngừng khẳng định vị thế đối với sự phát triển của tỉnh, nhưng ô nhiễm đô thị cũng lại là mặt trái không thể chối bỏ được của quá trình đô thị hóa. Vệ sinh môi trường đô thị với hai trọng tâm là nước thải và rác thải được xem là thách thức của thành phố. Gần đây dịch vụ cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đã được cải thiện đáng kể, bộ mặt Phan Rang –Tháp Chàm có nhiều khởi sắc, sạch hơn, đẹp hơn, nhưng vấn đề giải quyết xử lý nước thải, chất thải rắn vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi đó, văn hóa đô thị, nếp sống văn minh trong quan hệ, cư xử, thói quen, lối sống trong một bộ phận nhân dân chưa hình thành; hạn chế ý thức về ứng xử và bảo vệ môi trường, nhất là vùng xa trung tâm, vùng biển; vẫn còn tình trạng nuôi gia súc trong khu dân cư, thả rong gia súc trên đường phố; cây xanh bị chặt phá; một số nhà máy xả nước thải chưa qua xử lý... Ô nhiễm không khí trở thành vấn đề nóng, gây không ít quan ngại trong nhân dân. Cho nên bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ hết sức cấp bách.
Để giải quyết vấn đề này, cùng với việc xử lý nguồn ô nhiễm thì sử dụng cây xanh là giải pháp hiệu quả nhất trong việc bảo vệ môi trường. Không gian xanh được hình thành bởi thảm thực vật: cây xanh, vườn hoa, hồ nươc kết nối liên hoàn với hệ thống cây xanh đường nội bộ, cây xanh trường học. Không gian xanh này không những thiết lập môi trường đô thị thoáng –rộng, xanh-mát, khí hậu trong lành rất tốt cho sức khỏe, được xem như lá phổi xanh của các khu đô thị mà còn là nơi diễn ra các hoạt động ngoài trời của cộng đồng dân cư. Đầu năm Tân Mão, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã sôi nổi phát động “Tết trồng cây - nhớ ơn Bác Hồ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Dũng, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai, đưa tết trồng cây trở thành ngày truyền thống, vận động các tầng lớp nhân dân bằng hành động thiết thực bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Vấn đề để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu này đòi hỏi các ngành, các cấp cùng phải chung tay góp sức. Thiết nghĩ, không phải chỉ bắt đầu việc hoàn thiện tổ chức quản lý môi trường đô thị, xây dựng chính sách, pháp luật; tăng cường kiểm soát, giảm phát thải chất ô nhiễm vào không khí, mà hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức công đồng về vấn đề này có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của thành phố. Chúng ta không thể ngồi chờ ai đó khác bảo vệ hay cải thiện môi trường sống cho mình, mà mỗi người phải có ý thức chủ động tham gia tích cực vào quá trình ấy.
Với ý nghĩa nhân văn và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm đô thị, bằng ý thức trách nhiệm của mình, thành phố sẽ cùng cả tỉnh, vì cả tỉnh, chung tay giữ gìn môi trường xanh - sạch- đẹp, vì một tương lai tươi sáng, phát triển bền vững của quê hương Ninh Thuận.
Nguyễn Hữu Phước