Tràn lan nước tương “bẩn”
Tại chợ Bình Tây (quận 6), TPHCM nhiều cửa hàng bán nước tương, dầu hào, chao các loại vẫn tấp nập người mua - bán. Một chủ sạp cho biết, mấy ngày nay người dân tẩy chay nước tương Đông Cô vì nghe nói bị “dính” chất độc. Bà chủ cũng nói bây giờ người dân nhạy bén thông tin lắm, hễ nghe báo đăng cái gì ảnh hưởng sức khỏe là coi như hàng đó ế ẩm luôn.
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), loại nước tương nhãn hiệu Đông Cô mà cơ quan này khuyến cáo không được sử dụng là do hàm lượng chất độc 3-MCPD vượt tới 200 lần mức cho phép theo kiểm nghiệm của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM. Sản phẩm này được sản xuất tại ấp Trường Thiện, xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, trên nắp không có dòng chữ Đông Cô và mặt sau của nhãn khi bóc ra không in cụ thể hàm lượng 3-MCPD.
Ghi nhận cho thấy, những loại nước tương mập mờ thông tin như vậy hiện vẫn tràn lan trên thị trường. Tại chợ Bình Triệu, quận Thủ Đức, một chủ cửa hàng cho biết mỗi ngày bán tới cả chục chai nước tương. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được xem nhãn hiệu nước tương, bà chủ cho biết không có nhãn hiệu gì ngoài dòng chữ in lem nhem “nước tương thượng hạng”.
Theo lời bà chủ, nước tương được thương lái từ Bình Dương lên bỏ mối, có khi mua luôn cả những can lớn 5 - 10 lít để bán lại cho các quán cơm. Ghi nhận cho thấy, không ít quán cơm thích mua nước tương đóng bình, can nhựa cho lợi.
Ngay như nước tương Đông Cô nói trên, qua khảo sát thực tế, thị trường hiện đang có bán ít nhất hai loại nước tương mang nhãn hiệu này. Tại khu vực chợ Bình Tây (quận 6 TPHCM), một chủ sạp cho biết, trước đây ông mua nước tương này ở các tiệm trên đường Chu Văn An (quận 6), bán lại với giá 58.000 đồng/lốc (12 chai).
Tại chợ Bàu Nai (quận 12) vẫn có bán nước tương Đông Cô với giá 10.500 đồng/chai. Tuy nhiên, chai nước tương này (cũng ghi địa chỉ sản xuất ở ấp Trường Thiện, xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành, Tây Ninh) lại có chữ Đông Cô trên nắp nhựa, dưới nhãn ghi dòng chữ khá to “3-MCPD đạt chuẩn Bộ Y tế”.
Tại một tiệm tạp hóa ở chợ Cây Xoài (quận 2), một cửa hàng tạp hóa bán nước tương hiệu Đông Cô với giá 9.500 đồng/chai, nhưng mặt sau của nhãn lại không in gì cả. Thực tế cho thấy, thay vì cải tiến công nghệ sản xuất để chất lượng nước tương đạt chuẩn 3-MCPD, nhiều cơ sở nhỏ lẻ lại nhái nhãn mác, thương hiệu của các công ty lớn có uy tín rồi tung ra thị trường với giá rẻ hơn nhiều lần.
Cần kiểm soát thường xuyên chất lượng nước tương. Ảnh: TG.LÂM
Chú trọng giám sát
Từ 2 năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra về điều kiện sản xuất, chất lượng nước tương không được chú trọng nhiều. Tuy nhiên, trong năm 2010, Thanh tra Sở Y tế TPHCM vẫn phát hiện nước tương không đạt chất lượng về 3-MCPD. Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, trong năm qua, đã tịch thu và tiêu hủy 2.341kg nước tương các loại do có 3-MCPD vượt mức cho phép và không đảm bảo chất lượng.
Một xưởng sản xuất nước tương mất vệ sinh bị phát hiện ở đường Mã Lò, quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: TG.LÂM
Tuy nhiên, theo Sở Y tế TPHCM, qua các đợt thanh tra ráo riết từ năm 2007 - 2008, hiện hầu hết các cơ sở sản xuất nước tương đều chuyển về các tỉnh như Long An, Bình Dương, Tây Ninh nhưng thị trường tiêu thụ vẫn chủ yếu ở TPHCM. Do đó, có những trường hợp phát hiện không đảm bảo chất lượng, thông báo về các địa phương xử lý yêu cầu doanh nghiệp thu hồi, kiểm tra điều kiện sản xuất… nhưng cơ quan chức năng các tỉnh giải quyết thế nào thì không rõ.
Từ năm 2008, Văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã liên tục khuyến cáo các cơ quan chức năng thường xuyên, liên tục giám sát, kiểm tra chất lượng nước tương.
Nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hội cũng khảo sát chất 3-MCPD trong nước tương và việc ghi nhãn nước tương đóng chai. Sau khi khảo sát 50 mẫu nước tương mua trên thị trường của các tỉnh, thành phố: Kiên Giang, Đắc Lắc, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM và đem đi xét nghiệm, 10% số mẫu có hàm lượng 3-MCPD vượt mức cho phép. Đến nay, tình hình chất lượng nước tương có cải thiện hay không thì vẫn chưa có một khảo sát nào cụ thể.
Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, trong các đợt ra quân kiểm tra ATVSTP, thỉnh thoảng vẫn có lấy mẫu nước tương trên thị trường để kiểm nghiệm chất lượng, chứ chưa có một đợt ra quân giám sát riêng về nước tương trong năm 2010.
Nguồn Báo SGGP