Thành lập từ năm học 2018-2019 trên cơ sở sáp nhập 2 trường MN Hoa Mai và Mẫu giáo Phước Đại, Trường MN Phước Đại (Bác Ái) là đơn vị tiêu biểu trong việc xây dựng môi trường vật chất, xã hội (VCXH) bên ngoài lớp học đáp ứng mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm. Khi mới thành lập, trường có 370 trẻ/17 nhóm lớp học tập tại 4 điểm trường; trong đó, điểm trường chính có 190 trẻ/8 lớp, môi trường giáo dục bên ngoài lớp học chật hẹp, cây cối ùm tùm, đồ chơi ngoài trời còn hạn chế… Vì vậy, để nâng cao chất lượng dạy-học, đáp ứng yêu cầu lấy trẻ làm trung tâm, cán bộ, giáo viên (CBGV) nhà trường đã quyết tâm cải tạo, xây dựng môi trường VCXH bên ngoài lớp học tạo điều kiện để trẻ phát huy năng lực, hình thành thói quen và hành vi tốt.
Trường Mầm non Phước Đại (Bác Ái) thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non
lấy trẻ làm trung tâm”, giai đoạn 2016-2020 góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.
Để quyết tâm trở thành hiện thực, lãnh đạo nhà trường, tổ chuyên môn, GV cốt cán và Ban Đại diện cha mẹ học sinh đã họp bàn, thống nhất triển khai kế hoạch quy hoạch khu sân chơi tại điểm trường chính; chỉ đạo GV tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa việc xây dựng môi trường hoạt động cho trẻ, từ đó phụ huynh đồng tình, ủng hộ vật liệu, ngày công và số tiền gần 13 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND xã Phước Đại hỗ trợ 3 xe cát, Đoàn Thanh niên xã hỗ trợ 4 công lao động; nhà trường tham mưu lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái hỗ trợ kinh phí (10 triệu đồng) và nhờ GV tổng phụ trách đội các trường TH, THCS trên địa bàn huyện hỗ trợ cải tạo sân chơi cho trẻ…
Cô giáo Huỳnh Thị Tuyết Hoa, Hiệu trường nhà trường, chia sẻ: Khi thực hiện cải tạo môi trường VCXH bên ngoài lớp học tại điểm trường chính, nhà trường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, song với sự nỗ lực, nhiệt huyết của CBGV, sự giúp sức của phụ huynh và GV tổng phụ trách đội các trường TH, THCS trên địa bàn huyện, nhà trường đã tạo dựng thành công môi trường VCXH bên ngoài lớp học khang trang, sạch đẹp, thoáng mát, đảm bảo an toàn và phù hợp với văn hóa địa phương, bao gồm các khu: Vui chơi vận động liên hoàn, vườn rau sạch cho bé, khu chơi với cát nước, khu chơi với những sản phẩm chợ quê và góc thư giãn cho bé. Môi trường bên ngoài lớp học vừa làm đẹp nhà trường, vừa tạo điều kiện cho trẻ cùng nhau vui chơi, khám phá, từ đó tự tin, mạnh dạn, phát triển các kỹ năng, phẩm chất tích cực.
Bên cạnh những nỗ lực trong cải tạo, xây dựng môi trường VCXH bên ngoài lớp học tại điểm trường chính, nhà trường được nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ dự phòng và vốn ngân sách tỉnh đầu tư trên 5,2 tỷ đồng xây mới 6 phòng học và các hạng mục phụ trợ tại cơ sở Ma Hoa. Sau hơn 10 tháng xây dựng, tháng 5-2020, cơ sở đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần nâng giúp trường nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
Trên cơ sở kế hoạch đề ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chọn và xây dựng mô hình điểm về chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, giai đoạn 2016-2020 tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Nam; tổ chức các cuộc thi, kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ thực hiện chuyên đề của đơn vị. Các huyện, thành phố chọn 1-2 trường thực hiện thí điểm trong năm đầu tiên thực hiện chuyên đề và triển khai đại trà cho 100% trường MN vào năm học 2017-2018. Qua 5 năm triển khai thực hiện, các trường tập trung cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất trong lớp, ngoài trời; cung cấp nhiều nguyên liệu, học liệu mang tính mở và tổ chức các hoạt động trong lớp, ngoài trời một cách sáng tạo, chú trọng phát triển khả năng của từng học sinh… Từ việc thực hiện chuyên đề, các trường MN được đầu tư xây mới 65 phòng học, 2 bếp ăn, 4 phòng quản trị hành chính, 2 phòng chức năng, một số công trình phụ, trang bị 23 bộ đồ chơi ngoài trời từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa giáo dục. Ngoài ra, các trường còn linh hoạt trong việc vận động nhà hảo tâm, tổ chức, cha mẹ trẻ và cộng đồng ủng hộ kinh phí tu sửa nhỏ cơ sở vật chất; mua sắm đồ dùng dạy học, đồ chơi; cải tạo, xây dựng môi trường giáo dục ngoài trời và chỉ đạo GV tích cực làm đồ dùng, đồ chơi đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ.
Cũng từ việc thực hiện chuyên đề, CBGV MN được bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội được thực hiện thường xuyên hơn… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy, giúp trẻ phát triển theo hướng toàn diện.
Lâm Anh