Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Tăng cường thanh tra, đảm bảo một kỳ thi khách quan, nghiêm túc

Khác với năm 2019, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) 2020, cán bộ, giảng viên đại học sẽ không tham gia coi thi, chấm thi mà làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thi. Với khoảng 6.000 cán bộ được huy động từ 130 trường đại học, chưa năm nào lực lượng thanh tra làm công tác thi lớn như năm nay. Mọi công việc đang được gấp rút tiến hành, nhằm tạo nên một kỳ thi khách quan, an toàn, nghiêm túc.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong thời gian thực hiện giảm thiểu việc tập trung đông người để phòng, chống đại dịch COVID-19 theo chỉ thị của Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phương án tổ chức kỳ thi phù hợp với điều kiện thực tế.

Năm trước, mỗi phòng thi có 50% là cán bộ, giáo viên phổ thông, 50% là cán bộ, giảng viên đại học cùng tham gia công tác coi thi, chấm thi. Năm nay, để tránh huy động đông người, công tác thi sẽ không có sự tham gia của cán bộ giảng viên cấp đại học, Thay vào đó, lực lượng này được tăng cường cho công tác thanh tra, kiểm tra, nhằm đảm bảo sự nghiêm túc, công bằng, khách quan cho kỳ thi.

Giải thích cho quyết định này, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ là người chịu trách nhiệm toàn bộ khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp để tổ chức thanh tra, kiểm tra, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế. Thanh tra tỉnh, thanh tra Chính phủ cũng sẽ vào cuộc. Mục tiêu của kỳ thi vẫn là dùng kết quả để xét tuyển vào đại học, do vậy, các trường đại học cũng phải có trách nhiệm cùng giám sát.

Theo đánh giá chung, trước đây, trong thời kỳ thi “ba chung”, kỳ thi tốt nghiệp tại các địa phương đã xảy ra những hiện tượng tiêu cực như trèo tường ném tài liệu, phao thi rải trắng sân trường… Những năm gần đây, cùng với sự thay đổi trong cách ra đề và phương thức thi, các cán bộ, giảng viên đại học được đưa về các địa phương tham gia công tác thi đã giúp giảm rõ rệt các hiện tượng này. Chính vì thế, việc chọn cán bộ trong các trường đại học, cũng là người ở bên ngoài địa phương tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra là lựa chọn hợp lý, làm tăng sự khách quan, nghiêm túc cho kỳ thi quan trọng này.

Cán bộ thanh tra phải là người có đạo đức, có kinh nghiệm

Năm 2020, trong số hơn 350 trường đại học trên cả nước, chỉ có 130 trường được chọn tham gia làm công tác thi theo những tiêu chí nhất định. Các trường này cũng không thực hiện thanh tra, kiểm tra ở nơi mà địa phương đó là chủ quản của trường, nhằm hạn chế tối đa sự can thiệp, chỉ đạo. Mỗi địa phương có ít nhất hai trường tham gia kiểm tra công tác coi thi.

Dự kiến sẽ có khoảng 6.000 cán bộ, giảng viên đại học được huy động tham gia công tác thanh kiểm tra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tăng gần 1.000 người so với năm 2019. Khác với năm trước là tham gia coi thi, chấm thi, năm nay, cán bộ từ các trường đại học tham gia thanh tra, kiểm tra phải được sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng, có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao. Đối với các giảng viên thì đặt ra yêu cầu có đạo đức, có kinh nghiệm về công tác thi và hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về cán bộ cử đi. Bên cạnh các văn bản như Quy chế, Hướng dẫn, Sổ tay nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xây dựng bộ tài liệu điện tử, mô hình hóa tất cả nhiệm vụ ở các khâu của kỳ thi bằng hình ảnh đồ hoạ, clip mô phỏng. Tất cả những người được chọn đều được tập huấn kỹ và thực hiện bài thi đánh giá sau tập huấn.

Không có "khoảng trống, điểm mờ"

Chưa năm nào Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động lực lượng lớn cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra như năm 2020. Năm nay Thanh tra Chính phủ sẽ tham gia trong Ban chỉ đạo cấp quốc gia. Cán bộ từ các trường đại học thuộc đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khi thanh tra các tỉnh tham gia ban chỉ đạo cấp tỉnh và tổ chức các đoàn thanh tra địa phương. Công tác thanh, kiểm tra được lên kế hoạch ở tất cả các khâu của kỳ thi, chú trọng vào tất cả các Hội đồng thi, các điểm thi. Đối với khu vực vùng sâu, vùng xa sẽ có sự quan tâm hơn, nhưng đảm bảo không có sự phân biệt, ưu tiên.

Tăng cường công tác thanh tra với sự vào cuộc của các cấp từ trung ương đến địa phương, là một trong những biện pháp được kỳ vọng sẽ đảm bảo sự an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Ngọc Thưởng nhấn mạnh: “Phải phân rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, mục tiêu phương pháp, trách nhiệm của từng cấp thanh tra. Mọi công đoạn của công tác thi đều phải được thanh tra, kiểm tra với yêu cầu rõ nhất, không có khoảng trống, không có điểm mờ”.

Theo đó, năm nay, tất cả các khâu của kỳ thi, như: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT đều giao về cho hội đồng thi của tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức. Các bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy trên phần mềm chung của Bộ, có sự giám sát của hệ thống camera, đảm bảo quy trình chấm thi an toàn, nghiêm túc, đề phòng gian lận.

Ngoài tổ thanh tra giám sát của Địa phương, đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ 4-6 người sẽ làm việc trực tiếp tại sở giáo dục và đào tạo các tỉnh trong thời gian chấm thi, giám sát công tác chỉ đạo, tổ chức chấm thi và chấm thi. Như vậy, Đoàn thanh tra của Bộ do lãnh đạo các Vụ, Cục làm trưởng đoàn, có sự tham gia của các bộ, chuyên viên cơ quan quản lý nhà nước, của cán bộ, giảng viên đại học sẽ thực hiện thanh tra tại toàn bộ 63 sở giáo dục và đào tạo trên cả nước, trong cả thời gian chấm thi lần 1 và chấm phúc khảo, cùng với đó là các chế tài nghiêm khắc để xử lý các gian lận nếu có.

Những năm trước đây, sai phạm thường xảy ra trong khâu chấm thi. Chính vì thế, công tác thanh tra, kiểm tra chấm thi năm nay được thực hiện chặt chẽ, nhằm ngăn chặn triệt để những “khoảng trống, điểm mờ”, hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan.

Theo TTXVN