Do dịch COVID-19, ngành du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất trong thời gian qua. Với lệnh cách ly xã hội, các cơ sở lưu trú, địa điểm tham quan, các doanh nghiệp lữ hành, vận tải gần như ngừng hoạt động, khách du lịch quốc tế và nội địa cũng tạm ngừng tham quan, nghỉ dưỡng, điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm, một số nhân viên phải tạm thời nghỉ việc. Ông Hồ Hải Trường An, Phó Giám đốc Resort Long Thuận cho biết: trong đợt dịch cao điểm vừa qua, resort hầu như không có doanh thu, trong số 188 phòng nghỉ dưỡng thì mỗi ngày chỉ có 10 phòng có khách nghỉ, còn lại phải đóng cửa, dọn dẹp vệ sinh, chính vì vậy một số nhân viên cũng phải tạm nghỉ trong thời gian qua. Hiện nay khi việc giãn cách xã hội được nới lỏng, đơn vị đang nỗ lực để khôi phục lại hoạt động, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, resort cũng chú trọng cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, hướng tới thu hút khách du lịch nội địa trong thời gian tới.
Du khách đến tham quan tại khu du lịch Tayoli.
Cũng giống như Resort Long Thuận, các cơ sở du lịch khác trong tỉnh cũng bị thiệt hại không nhỏ do dịch COVID-19. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, do tác động của đại dịch COVID-19, doanh thu du lịch trên địa bàn chỉ bằng 15% cùng kỳ năm ngoái, công suất sử dụng phòng khách sạn chỉ đạt 10 đến 20%, các doanh nghiệp lữ hành, vận tải, các điểm du lịch gần như ngừng hoạt động, việc làm, thu nhập của hàng ngàn lao động trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng. Để khôi phục lại hoạt động du lịch trong bối cảnh việc giãn cách xã hội được nới lỏng, theo ông Hồ Sỹ Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước hết các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú cần tiến hành xây dựng lại chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình hiện tại, trong đó nghiên cứu khai thác, tìm kiếm thị trường mới, tập trung vào phân khúc nội địa, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ tạo sự hài lòng đối với du khách khi đến nghỉ dưỡng. Về phía ngành sẽ tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc, xúc tiến xây dựng hình ảnh điểm đến. Với cách làm quyết liệt, đồng bộ hy vọng trong 6 tháng cuối năm lượng khách du lịch đến với tỉnh ta sẽ tăng cao.
Mũi Dinh là một trong những điểm du lịch nằm trên tuyến đường ven biển thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: Văn Nỷ
Một tín hiệu vui đối với hoạt động du lịch là trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, lượng khách du lịch nội địa đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh khá cao, điều này làm dấy lên hy vọng phục hồi ngành “công nghiệp không khói” trong thời điểm khó khăn này. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các cơ sở lưu trú ven biển trong tình trạng cháy phòng, đa số khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt (Lâm Đồng) và các tỉnh lân cận; các điểm đến du lịch như: Vịnh Vĩnh Hy, Tháp Po Klong Garai, vườn nho Ba Mọi, làng nghề gốm Bầu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp.. trong những ngày qua đón nhiều lượt khách đến tham quan, mua sắm. Để đảm bảo yếu tố an toàn du khách trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, cũng như vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí trong những ngày nghỉ lễ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai tới từng doanh nghiệp du lịch, dịch vụ bố trí đón tiếp phục vụ du khách đảm bảo đúng theo quy định, giữ khoảng cách giữa các du khách khi đến tham quan, sử dụng dịch vụ ăn uống tại khu du lịch, điểm du lịch,…
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên mục tiêu đón 2,6 triệu lượt du khách, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng trong năm 2020 của ngành du lịch đang là bài toán thách thức! Tuy nhiên, khó khăn cũng là thời điểm để các đơn vị có thêm sự chuẩn bị tốt hơn về cơ sở vật chất cũng như nâng cao trình độ nhân lực phục vụ cho những mục tiêu dài hạn trong thời gian tới.
Thế Quang