Ninh Phước hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Phước là huyện sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh ta với nhiều loài cây trồng, con nuôi đặc thù đem lại giá trị kinh tế cao. Sau 45 năm giải phóng quê hương, cấp ủy và chính quyền đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu, tạo động lực đưa sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững.

Đặc biệt qua 28 năm tái lập tỉnh, nền nông nghiệp Ninh Phước thật sự khởi sắc với nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả, nâng cao đời sống nông dân, tích cực góp phần xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Mùa vui lúa mới

Đến với huyện Ninh Phước, chúng tôi gặp nông dân các địa phương ra đồng thi đua lao động sản xuất, thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025 và chào mừng 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chào mừng 28 năm tái lập tỉnh. Nông dân khẩn trương thu hoạch lúa đông- xuân 2019- 2020 với diện tích gần 4.300 ha, tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn: Phước Hậu 850 ha, Phước Hữu 690 ha, Phước Dân 710 ha... Địa phương nhân rộng nhiều mô hình canh tác lúa hiệu quả như “1 phải, 5 giảm” với diện tích trên 3.000 ha, cánh đồng lớn 1.963 ha, san phẳng đồng ruộng bằng tia laser với diện tích 35 ha. Cây lúa vụ đông- xuân sinh trưởng trong điều kiện thời tiết thuận lợi, bà con thu hoạch trà đầu đạt năng suất 70 tạ/ha, thương lái thu mua lúa khô tại sân phơi với giá 6.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí đầu tư, nông dân trồng lúa có lãi trung bình 3 triệu đồng/sào.

 

Nông dân Ninh Phước thu hoạch vụ Đông-Xuân đạt năng suất cao. Ảnh: Văn Nỷ

Trên cánh đồng Miễu Bà thuộc thôn Hữu Đức (Phước Hữu), chúng tôi gặp nông dân tập trung thiết bị cơ giới ra đồng thu hoạch lúa đông- xuân. Bờ tiếp bờ là những thửa ruộng lúa chín vàng rực. Tiếng máy gặt đập liên hợp, xe máy cày kéo rơ- moóc vận chuyển lúa bao về sân phơi tạo không khí ngày mùa nhộn nhịp. Anh Trượng Văn Mẫu chia sẻ niềm vui: Gia đình tôi canh tác 1,5 ha ruộng lúa vụ đông- xuân xuống giống TH 41 nguyên chủng. Nhờ áp dụng biện pháp canh tác “1 phải, 5 giảm” nên năng suất đạt bình quân 7 tấn/ha, trừ hết chi phí còn lãi ròng trên 30 triệu đồng/ha. Nhờ làm ruộng kết hợp chăn nuôi gia súc, vợ chồng tôi dành dụm vốn liếng đầu tư nuôi 3 người con tốt nghiệp đại học chính quy chuyên ngành cầu đường và xây dựng dân dụng. Sau 28 năm tái lập tỉnh, làng Chăm Hữu Đức ngày càng đổi mới, con cháu được học hành chu đáo. Nông nghiệp có nhiều mô hình canh tác mới được nông dân áp dụng hiệu quả vào sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực như “1 phải, 5 giảm”, cánh đồng lớn, đưa cơ giới vào đồng ruộng, giảm thất thoát sau thu hoạch….” .

Nông nghiệp công nghệ cao

Chia tay làng Chăm Hữu Đức, chúng tôi đến với cánh đồng măng tây xanh thôn Tuấn Tú thuộc xã An Hải. Anh Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, phấn khởi cho biết cây măng tây xanh bén rễ cho những mầm xanh khỏe mạnh trên vùng đất cát ven biển đã làm thay đổi đời sống người dân địa phương. Sau 28 năm tái lập tỉnh, HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về thăm và động viên bà con trồng cây măng tây xanh, áp mô hình tưới tiết kiệm nước. HTX hiện có 62 thành viên chuyên canh cây măng tây xanh trên diện tích 35 ha theo mô hình cánh đồng lớn.

Nhân viên HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú đóng gói măng tây xanh chất lượng cao đưa đi tiêu thụ.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tuy sản xuất trong điều kiện bất lợi do dịch bệnh và thời tiết nắng hạn kéo dài, nhưng mỗi ngày HTX thu hoạch cung cấp trên 300 kg măng tây xanh chất lượng cao trị giá 150 triệu đồng cho Doanh nghiệp Tân Tiến với giá thu mua ổn định 50.000 đồng/kg. Trong năm 2020, HTX Tuấn Tú tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng măng tây xanh lên 45 ha, phấn đấu đạt sản lượng 65 tấn, đạt doanh thu 3.200 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 700 triệu đồng/ha. Nông dân huyện Ninh Phước canh tác 464 ha cây nho và 733 ha cây táo có khoảng 50% diện tích được trùm lưới màng phòng tránh ruồi vàng làm hư trái. Đây là hai loài cây kinh tế chủ lực cho thu nhập cao, ít sử dụng nước tưới được địa phương khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích canh tác phù hợp với điều kiện thời tiết khô hạn. Các nông hộ tận dụng lá nho, lá táo, trồng cỏ chăn nuôi vỗ gia súc có sừng theo mô hình gia trại với tổng đàn trên địa bàn huyện hiện nay 67.837 con dê cừu và 22.721 con bò. Các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao đã tạo việc làm mới, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, tích cực góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Thực hiện Nghị quyết số 05- NQ/TU của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020, huyện Ninh Phước đã huy động các nguồn lực xã hội phát triển sản xuất theo hướng CNC. Trong đó có các chương trình, dự án CNC đã phát huy hiệu quả rõ rệt và được địa phương mở rộng diện tích như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, mô hình cánh đồng lớn, sản xuất bắp lai nhân giống, măng tây xanh, canh tác cây nho theo tiêu chuẩn VietGAP, tưới tiết kiệm nước, sản xuất rau an toàn…Nhờ đó đã đưa giá trị sản phẩm ngành Nông nghiệp trên đơn vị diện tích canh tác tăng từ 142,3 triệu đồng/ha của năm 2015 lên 195,2 triệu đồng/ha vào cuối năm 2019; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23,9 triệu đồng lên 43 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 3,69%.

Nông dân huyện Ninh Phước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới.

Đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết, cấp ủy và chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vận động nông dân đoàn kết thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng 8/8 xã, thị trấn và huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là thành tựu đáng tự hào sau 45 năm quê hương hoàn toàn giải phóng và qua 28 năm tái lập tỉnh. Ninh Phước thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015- 2020 đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Trong thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, triển khai nhân rộng các hình thức liên kết ”4 nhà”, mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao như cánh đồng lớn, mô hình trồng sản xuất rau an toàn; trồng táo kết hợp nuôi dê, cừu vỗ béo khép kín; “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; mô hình trồng trồng nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất lúa, bắp giống chất lượng cao. Việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC gắn với nâng cao các tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn NTM và khu dân cư kiểu mẫu vì mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, đời sống nông dân thịnh vượng.