Ký ức hào hùng
...Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Cùng với cả nước, đồng bào các dân tộc nơi đây cùng tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp. Là địa bàn chiến lược xung yếu đối với cực Nam Trung Bộ và tỉnh Ninh Thuận. Nơi cơ quan của tỉnh, lực lượng vũ trang đứng chân, địa bàn Thuận Nam được chọn xây dựng nhiều chiến khu, khu dân sinh để phục vụ cuộc kháng chiến lâu dài. Vì thế, vùng đất này luôn là trọng điểm của sự kìm kẹp gắt gao, sự đánh phá ác liệt của địch. Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, các cấp ủy Đảng vừa xây dựng, củng cố tổ chức, vừa lãnh đạo quân dân tham gia cuộc chiến đấu chung trên chiến trường, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), địa bàn Thuận Nam tiếp tục trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ thù từ những ngày đầu. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Ninh Thuận, quân dân Thuận Nam đã phối hợp với lực lượng của tỉnh và các địa phương trong tỉnh đấu tranh chính trị đòi Mỹ, Diệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ; chống khủng bố, dồn dân lập ấp chiến lược; xây dựng căn cứ địa vững chắc, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đấu tranh địch vận, nổi dậy của quần chúng diệt ác, phá kèm; phối hợp với quân chủ lực trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng huyện nhà, góp phần giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Huyện Thuận Nam hôm nay. Ảnh: V.M
Trải qua các giai đoạn lịch sử với nhiều lần tách nhập địa giới hành chính và tên gọi, ngày 10-6-2009, Chính phủ có nghị quyết về việc thành lập huyện Thuận Nam. Ngày 1-10-2009, huyện Thuận Nam chính thức đi vào hoạt động.
“Đất trẻ” nở hoa
Đồng chí Châu Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam nhìn nhận, những ngày đầu thành lập, với những khó khăn nhất, yếu kém nhất cứ ngỡ sẽ kìm hãm sự năng động và phát triển. Tuy nhiên, với sự chủ động và thực hiện đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp chiến lược, Thuận Nam đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương; vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp trên, vừa phát huy nội lực, giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo đà quan trọng cho sự phát triển trong những năm sau này.
Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu nghị quyết đề ra, trong đó có nhiều ngành phát triển vượt bậc như thủy sản phát triển trên cả 3 mặt. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản bình quân đạt trên 6,1%, hàng năm đóng góp trên 90% tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của huyện và đóng góp khá cao vào giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 22,1%/năm, trong đó công nghiệp tăng gần 31,6%, xây dựng tăng trên 16,8%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung lãnh đạo bước đầu đạt kết quả đúng theo lộ trình. Huy động được sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, nhất là trong việc hiến đất, ngày công lao động; tranh thủ được các nguồn lực đầu tư nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và một số công trình khác đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến cuối năm 2019 có 4 xã (Phước Nam, Cà Ná, Phước Diêm, Phước Ninh) đạt chuẩn nông thôn mới và bình quân các xã đạt 15 tiêu chí, không còn xã dưới 10 tiêu chí, về đích trước 1 năm so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II đề ra.
Điện gió Mũi Dinh (Thuận Nam) đã hoạt động thương mại. Ảnh: Văn Nỷ
Một trong những tín hiệu vui, được xem là “kim chỉ nam” cho Thuận Nam thời gian tới là việc định hướng phát triển huyện Thuận Nam thành vùng trọng điểm về công nghiệp của tỉnh, đã tiến hành thực hiện quy hoạch và xây dựng trên địa bàn huyện khu công nghiệp Phước Nam và Cà Ná; cụm công nghiệp Hiếu Thiện. Triển khai 32 vị trí điện mặt trời và 2 dự án điện gió, đến nay có 9 dự án điện mặt trời và 1 điện gió đã hoàn thành và phát điện. Định hướng mới đã mở ra một tầm nhìn mới cùng với những chính sách vượt trội để Thuận Nam có cơ hội vươn ra biển lớn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Nam đều nhận thấy đây là thời cơ cần phải nắm chắc và phát huy tối đa cơ hội. Như tiếp đà cho động lực ấy, nhiều tiềm năng thế mạnh được nhận diện sâu kỹ hơn và đang triển khai như: Cảng biển Cà Ná; dự án Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná với quy mô phù hợp, gắn với cảng biển Cà Ná; du lịch biển (du lịch đẳng cấp Ecopark đang từng bước hình thành)…
Huyện đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp; thực hiện hiệu quả các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, bổ sung Quy hoạch sử dụng đất của huyện đến năm 2025 làm cơ sở tiếp nhận thêm các dự án đầu tư trên địa bàn… Và đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới, Thuận Nam sẽ xây dựng một đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm cao, xứng tầm, đoàn kết thống nhất, vì dân, tạo được sự đồng thuận trong dân, luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, đồng chí Châu Thanh Hải nhấn mạnh. Với phương châm này, tin chắc Thuận Nam sẽ trở thành vùng kinh tế trọng điểm năng động cùng tỉnh nhà phát triển, hội nhập, bền vững.
Xuân Nguyên