Ca bệnh số 266 (BN266) là nữ, 36 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội.
Từ ngày 8-10/3, bệnh nhân đến chăm mẹ tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 12/3, bệnh nhân có biểu hiện ngứa họng.
Từ ngày 30/3 bệnh nhân cách ly tại nhà. Ngày 12/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 14/4. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ca bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN
Tính đến hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận tổng số ca mắc là 266 trường hợp, trong đó có 160 người từ nước ngoài chiếm 60,2%; 106 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 39,8%.
Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 68.968, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện là 601 trường hợp; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 13.455 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 54.912 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày hôm nay 14/4 đã có 23 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, cụ thể gồm: 17 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; 5 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ chi; 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Cầu Treo Hà Tĩnh.
Số các bệnh nhân đang điều trị là 97 ca bệnh tại 14 bệnh viện.
Hiện trong số các ca bệnh nặng có 3 ca nguy kịch đang thở máy, lọc máu là: BN19, BN161 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (BN19 đã có tiến triển, dừng được vận mạch); BN91 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh: không sốt, thở máy, theo dõi rối loạn đông máu-Hội chứng HIT; 5 ca thở ô xy.
Hiện số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 13 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 8 ca.
Sáng 14/4, nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ thông tin do Bộ KH&CN và Bộ TT&TT chủ trì đã rà lại các kết quả nghiên cứu của Nhóm để giúp Ban Chỉ đạo Quốc gia hoàn thiện phương án kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện “cách ly xã hội” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ đầu tháng 3/2020, cùng với việc thực hiện truy vết các ca F0 để xác định các đối tượng F1, F2, F3 phục vụ mục tiêu cách ly, khoanh vùng, dập dịch, Nhóm đã bắt tay xây dựng dữ liệu, phân tích dữ liệu và mô hình dự báo nguy cơ theo từng tỉnh, thành phố. Mức độ nguy cơ được xác định bởi nhiều chỉ số trong đó có các chỉ số về năng lực phản ứng của từng địa phương. Dự báo này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, điều kiện, tình hình các địa phương khác nhau nên cần có các yêu cầu, giải pháp khác nhau nhằm mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội. Các địa phương được phân theo 3 nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.
Các chuyên gia tập trung rà soát nhóm các địa phương được dự báo là nguy cơ cao, cần tiếp tục áp dụng “cách ly xã hội” như quy định tại Chỉ thị 16 thêm một thời gian. Hai nhóm còn lại sẽ thực hiện “nới lỏng”. Đặc biệt, Nhóm cũng thảo luận những biện pháp cần thống nhất áp dụng trên quy mô cả nước (cho cả 3 nhóm) để Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 15/4.
Theo đó, các biện pháp cần tiếp tục áp dụng trên quy mô cả nước bao gồm: yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách tiếp xúc, cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ vui chơi giải trí… Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của chính quyền thì những người tham gia phải được giám sát y tế theo quy định riêng.
Ngoài các biện pháp quy định chung, người đứng đầu chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quy định các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu kép.
Mức độ nguy cơ của từng địa phương thay đổi theo tình hình, dữ liệu được cập nhật hàng ngày và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực ứng phó của từng địa phương, đặc biệt là năng lực đảm bảo việc thực hiện các quy định chung; năng lực sẵn sàng truy vết, khoanh vùng khi có ca lây nhiễm; và năng lực thăm khám bệnh tại nhà của hệ thống y tế đối với nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, nhiều khả năng lây nhiễm. Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tính kỷ cương trong phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện các quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, đơn cử như việc không đeo khẩu trang, tụ tập đông người. Nếu các biện pháp cơ bản đó được thực hiện nghiêm thì nguy cơ bùng phát sẽ giảm đáng kể.
Theo TTXVN/Báo Tin tức