Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Văn Bình, Trần Quốc Nam, Phạm Văn Hậu.
Các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh;
Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: Thế Quang
Trong quý I-2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành gặp khó khăn, một số lĩnh vực của nền kinh tế bị đình trệ, chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, hàng hóa bị gián đoạn; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng; làm gia tăng thất nghiệp, gây mất việc làm cho người lao động trong ngắn hạn. Kéo theo mức tăng trưởng kinh tế bình quân chung của cả nước giảm, chỉ đạt 3,82%, bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra, nằm ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trước tình hình trên, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trên nhiều lĩnh vực như: Gói hỗ trợ về tiền tệ (khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ đông), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng); bố trí vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD để giải ngân trong năm 2020.... Đồng thời chỉ đạo Bộ Tài chính, ngành Thuế thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID - 19 nhằm tạo “cú hích” vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngay sau hội nghị này, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, cùng Chính phủ điều hành hiệu quả các chính sách tài khóa để giữ vững tăng trưởng phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Các bộ, ngành trung ương, các địa phương cần tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, có chương trình bảo vệ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất công nghiệp- xây dựng, nông lâm nghiệp - thủy sản, đảm bảo an ninh lương thực; thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; chủ động mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng dịch... Với khu vực du lịch, dịch vụ đang bị ảnh hưởng nặng nề cần chú trọng biện pháp xử lý tháo gỡ cho phù hợp với thực tế. Riêng vốn đầu tư công đang bị tồn đọng lớn chưa giải ngân được, các bộ ngành phải có biện pháp, cơ chế tháo gỡ để thúc đẩy giải ngân. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát lưu thông thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá làm lũng đoạn thị trường. Đối với an ninh trật tự, cần có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, chống các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước, gây nhiễu loạn thông tin, đồng thời làm tốt công tác bảo hộ công dân trong mọi tình hình. Trong quá trình thực hiện các gói hỗ trợ, cần đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, phát hiện xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, kiểm soát, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm phát huy tối đa hiệu quả các gói hỗ trợ ở từng lĩnh vực… Thủ tướng cũng cũng cảm ơn tất cả người dân Việt Nam đã đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua mọi khó khăn, đồng thời đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Thế Quang