Vẫn còn một bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm giãn cách xã hội
Với diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, ngày 27-3-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 15 và chỉ 4 ngày sau (ngày 31-3), Thủ tướng tiếp tục ban hành Chỉ thị 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu cách ly toàn xã hội trong 14 ngày.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 là giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta và cũng là giải pháp căn cơ, quan trọng để giữ được khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng. Làm tốt giãn cách xã hội sẽ ngăn được dịch COVID-19 lan ra cộng đồng và lây chéo. Việc giãn cách xã hội có thể giúp phát hiện ra mầm mống của ổ dịch, phát hiện ca nhiễm mới, từ đó sẽ kịp thời xử lý và khoanh vùng.
Trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, phần lớn người dân đều nghiêm túc thực hiện khuyến cáo của cơ quan chức năng; hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, tất cả các dịch vụ không cần thiết đều đóng cửa.
Biển Bình Sơn-Ninh Chữ (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) vắng bóng người dân xuống tắm góp phần đẩy lùi dịch COVID-19. Ảnh: Văn Nỷ
Tuy nhiên, hai ngày trở lại đây, khi thông tin về các ca nhiễm SARS-CoV-2 có xu hướng giảm, số ca được công bố khỏi bệnh tăng từng ngày, dẫn đến tâm lý chủ quan, không thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội.
Tại các công viên, hay những con đường ven các hồ, bất chấp các bảng thông báo lớn yêu cầu người dân không được tập thể dục và tụ tập đông người, vẫn có hàng trăm người đi tập thể dục… Sau gần một tuần vắng vẻ, trên nhiều tuyến phố Hà Nội, người và xe lại qua lại nhộn nhịp. Hay mới đây, một buổi ăn nhậu được tổ chức ngay tại khu cách ly ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, với sự tham gia của gần 30 người; tại một số giáo xứ ở xã Đức Thọ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, các buổi lễ vẫn được diễn ra. Điển hình là tại một buổi lễ vào sáng 5-4, gần 400 giáo dân đã cùng tham gia cầu nguyện.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng việc người dân còn lơ là, coi thường việc giãn cách xã hội là rất nguy hiểm. Tâm lý chủ quan này sẽ là mối đe dọa có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Người dân cần thực hiện tốt giãn cách xã hội
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 8-4-2020, PGS. TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thực tế ở nước ta hiện có những trường hợp lây lan trong cộng đồng, nhưng lại rất khó để xác định nguồn lây. Ông Trần Đắc Phu khuyến cáo, thời gian tới, song song với biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch, tất các địa phương cần tăng cường rà soát, sàng lọc và kiểm tra, qua đó phát hiện những ca bệnh mới (nếu có). Để từ đó nhanh chóng tập trung khoanh vùng, dập dịch sớm, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Đặc biệt, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh, giãn cách xã hội là vô cùng quan trọng. Việt Nam đã và đang làm rất quyết liệt, quán triệt ngày từ khi số ca bệnh trong cộng đồng chưa cao. Tuy nhiên, việc giãn cách phải làm quyết liệt triệt để tất cả các nơi, các địa phương, chứ không thể nơi này làm, nơi kia không quyết liệt. Bởi hiện chúng ta không biết đâu là ổ dịch, không biết ai là người mang mầm bệnh. Do đó, người dân cần tuyệt đối tuân thủ việc cách ly, giãn cách xã hội. Đây là biện pháp rất quan trọng, ngăn người bệnh tiếp xúc với người lành, tránh việc lây nhiễm bệnh.
Theo ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng, Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng, các cấp chính quyền nên có những biện pháp mạnh mẽ hơn, qua đó vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu và không chủ quan. Cùng quan điểm, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cơ quan chức năng nên có những biện pháp mạnh tay hơn nữa. Song song với việc tuyên truyền, nhắc nhở, phạt tiền có thể có những biện pháp khác, thậm chí phạt thật nặng những người có tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh. Có như vậy mới đủ sức răn đe.
Cũng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 8-4, các chuyên gia đều thống nhất: cần phải tuân thủ nguyên tắc ngăn chặn và phát hiện sớm nguồn lây.
Các chuyên gia phân tích về các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng như bệnh nhân số 237, 243 và 251 vừa được phát hiện và không tìm được nguồn lây. Đây là thực tế về việc dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay không phải bằng mọi cách tìm nguồn lây từ đâu mà phải nhanh chóng khoang vùng, xử lý dịch, cách ly tất cả những người tiếp xúc gần với người mắc và với những khu vực nào có ca mắc đều được coi là ổ dịch. Vì vậy điều quan trọng hiện nay vẫn cần phải tuân thủ nguyên tắc ngăn chặn và phát hiện. Tiếp tục phối hợp các lực lượng duy trì thường xuyên và hiệu quả việc đi từng ngõ, gõ từng nhà.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn kiên định theo chiến lược: Chủ động ngăn chặn- Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để.
Theo TTXVN