Không chủ quan lơi lỏng, tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp

Trong 3 ngày gần đây, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam ghi nhận những tín hiệu tích cực khi có ít ca nhiễm mới hơn, số ca khỏi bệnh ngày càng nhiều, số bệnh nhân nặng tiến triển tích cực.

Đến 6h00, ngày 9-4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 vẫn là 251 trường hợp, trong số đó 126 người đã được điều trị khỏi. Hiện, hơn 50% bệnh nhân Covid-19 đã khỏi (126 người). 125 người đang được điều trị, nhiều người có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn tiềm ẩn không ít rủi ro nên chúng ta không được chủ quan, lơi lỏng, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo, khuyến cáo về phòng, chống dịch, nhất là Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội.

Công an giao thông huyện Thuận Bắc tăng cường chốt chặn kiểm tra dịch COVID-19. Ảnh: Văn Nỷ

Tín hiệu tích cực

Đến 6h00, ngày 9-4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 vẫn là 251 trường hợp, trong số đó 126 người đã được điều trị khỏi. Hiện, hơn 50% bệnh nhân Covid-19 đã khỏi (126 người). 125 người đang được điều trị, nhiều người có sức khỏe tốt.

Nhận định tình hình dịch tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, trong 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 đã tăng gấp đôi từ 121 (ngày 23-3) lên 245 (7 giờ ngày 7-4). Trong cùng thời gian đó, số ca mắc trên thế giới đã tăng gần 4 lần từ 341.632 (ngày 23-3) lên 1.345.653 (7 giờ ngày 7-4). Việt Nam hiện chưa có ca tử vong nào trong khi trên thế giới trong 2 tuần qua, con số tử vong do COVID-19 đã tăng lên gần 5 lần. Đặc biệt, trong 3 ngày gần đây, Việt Nam có ít ca nhiễm mới hơn, số ca khỏi bệnh ngày càng nhiều, một số bệnh nhân nặng tiến triển tích cực. Việt Nam đang tiếp tục thực hiện triệt để các biện pháp cách ly, quản lý các trường hợp từ nước ngoài trở về, các trường hợp tiếp xúc vòng 1, vòng 2 và áp dụng biện pháp cách ly xã hội.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tới giờ phút này có thể khẳng định Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh. Có được điều đó vì chúng ta có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc rất đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng. Đặc biệt và trên hết là nhờ có sự tham gia của nhân dân ta với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”. Tại cuộc họp gần đây, thay mặt Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng đã trân trọng cảm ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế. Đặc biệt, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ những cụ già tới các em nhỏ đã có muôn vàn hành động đẹp, ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch. Tại cuộc cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 6-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã biểu dương tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an, truyền thông và thông tin, những người ở tuyến đầu chống dịch.

Công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 hiệu quả của Việt Nam đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao của dư luận quốc tế. Trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Geneva (www.weforum.org) ngày 30-3 đăng bài viết của nhà báo người Anh nhan đề: “Viet Nam shows how you can contain COVID-19 with limited resources” (tạm dịch: "Việt Nam cho thấy cách bạn có thể phòng chống COVID-19 với nguồn lực hạn chế”) đánh giá Việt Nam ứng phó hiệu quả với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trở thành "ngọn hải đăng" về cách làm với nguồn lực hạn chế. Bài báo viết: Việt Nam đã sớm nhận thức rõ ràng về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh có thể tàn phá một đất nước đang phát triển và Việt Nam đã hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời.

Tuần báo l’Obs của Pháp đánh giá cao các biện pháp chống dịch của Việt Nam, trong đó khẳng định "Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu" trong cuộc chiến này. Bài báo nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại song đã phòng chống đại dịch COVID-19 bằng cách quản lý rất tỉ mỉ và có tổ chức, có sự chuẩn bị, thể hiện vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân.

Trong khi đó, đài BBC dẫn nhận định của PGS. TS Jonathan London - một nhà nghiên cứu xã hội học và chính trị người Mỹ - cho rằng "Việt Nam đã phản ứng một cách nghiêm túc" đối với đại dịch COVID-19. Bài báo nhấn mạnh tính hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam còn thể hiện ở chỗ điều kiện của Việt Nam còn khó khăn nhưng có thể trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia khác về cách thức dập dịch đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối thiểu.

Tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp

Theo chuyên gia y tế Trần Đắc Phu số ca nhiễm mới giảm liên tiếp trong mấy ngày qua là tín hiệu tốt nhưng chưa đủ để đánh giá tình hình dịch. Do đó, chúng ta không được chủ quan mà cần phải quyết liệt hơn nữa, nếu không toàn bộ công sức của giai đoạn một sẽ đổ sông đổ biển.

Tại cuộc họp ngày 6-4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo, khẳng định: Dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro. Chúng ta quyết không được chủ quan, lơi lỏng.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị trong thời gian tới các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương, nhất là Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội; đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát, sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, dập dịch. Về công tác hậu cần, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện chúng ta đã sản xuất được khẩu trang y tế và trang phục phòng hộ cho y bác sĩ từ nguồn nguyên liệu trong nước để phục vụ công tác phòng, chống dịch trong nước và hướng tới xuất khẩu. Về máy thở, chúng ta đang nghiên cứu sản xuất máy thở xâm nhập, không xâm nhập, sắp tới sẽ có máy thở thay thế nguồn nhập khẩu.

Liên quan đến công tác điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ đã ban hành công điện yêu cầu tất cả bệnh viện nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Theo đó, tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng. Bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19.

Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 6-4 về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dịch bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vì vậy, để bảo toàn lực lượng và kết quả chống dịch, ngăn chặn và xử lý từ xa và ngay trong cộng đồng, cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, để giữ vững thế chủ động chống dịch.

Nhấn mạnh chiến lược phòng, chống hiện nay trong giai đoạn 3 là khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, tích cực điều trị, hạn chế tử vong, Thủ tướng yêu cầu phải tìm cho được các ca F0, truy tìm mọi dấu vết của 2 ổ dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thủ tướng cũng lưu ý việc tập trung đông người ở nơi thờ tự, tôn giáo có thể là nguy cơ lây nhiễm lớn trong cộng đồng, phải chủ động ngăn chặn để tránh lây lan. Đồng thời, phải chuẩn bị tốt phương án bệnh viện dã chiến để không bị động trong mọi tình huống.

Thủ tướng yếu cầu các địa phương có dịch xuất hiện thì cần đẩy mạnh xét nghiệm sớm nhất cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh. Các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, lượng công nhân đi làm đông, cần thực hiện nghiêm việc ngăn ngừa lây nhiễm cho các đối tượng này, bảo đảm đầy đủ dụng cụ phòng hộ, thường xuyên đôn đốc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định phòng chống dịch.

Thủ tướng nêu rõ, ở giai đoạn này, sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất nên mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo, khuyến cáo về phòng, chống dịch. Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhất là: các hành vi vi phạm không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin sai không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội; tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng; sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường...; nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác toàn cầu trong phòng chống dịch, các quốc gia có dịch COVID-19 đều khó khăn, cho nên sự giúp đỡ nhau lúc này rất có ý nghĩa. Việt Nam có thể xuất khẩu khẩu trang vải, xuất khẩu gạo có kiểm soát, phổ biến các phần mềm chống dịch cho các nước có nhu cầu. Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao để thúc đẩy xuất khẩu, hợp tác với các nước có nhu cầu trong thời điểm hiện nay.

Bên cạnh chống dịch, Thủ tướng cũng nêu rõ cần quan tâm đến người nghèo, người khó khăn, người lao động bị mất việc... Do đó, phải làm nhanh gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đồng thời chuẩn bị chương trình toàn diện phục hồi kinh tế.

Theo TTXVN