Tăng tốc sản xuất trang thiết bị y tế, máy thở
Bộ Y tế đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tập huấn về điều trị, sàng lọc, chuẩn bị bệnh viện dã chiến; tăng tốc việc sản xuất các trang thiết bị y tế, trong đó có máy thở bảo đảm chất lượng và giá thành phù hợp. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 ngày 3/4.
Ban tổ chức chương trình “Cùng tuổi trẻ chống dịch COVID-19” trao tặng khẩu trang y tế và các phương tiện phòng dịch cho đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN.
Công tác phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta đang trong giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định. Các cấp, các ngành, địa phương, nhất là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã triển khai quyết liệt, nghiêm túc, sáng tạo, có trách nhiệm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 15/CT-TTg, số 16/CT-TTg đạt kết quả tích cực.
Đến nay, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh; việc khoanh vùng các ổ dịch, truy vết phát hiện, cách ly nguồn lây bệnh được thực hiện kịp thời, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng; đã điều trị khỏi 90 bệnh nhân, chưa để xảy ra tử vong, được nhân dân trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Các địa phương trong cả nước vẫn có nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng, đòi hỏi các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền các cấp, lực lượng trực tiếp phòng chống dịch tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, chần chừ; tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng nhân dân, huy động tổng lực, phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, khẩn trương hơn, đặc biệt là thực hiện nghiêm các giải pháp cấp bách, không làm suy giảm mức độ và các yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị toàn thể nhân dân tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách, nhất là về cách ly toàn xã hội, hạn chế đi lại, di chuyển, góp phần cùng cả nước đẩy lùi đại dịch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch xây dựng đầy đủ kịch bản đối với mỗi trường hợp dịch lan rộng theo hướng chủ động hơn nữa, không để rơi vào tình trạng bị động, lúng túng; chỉ đạo xử lý triệt để các ổ dịch hiện có, hết sức lưu ý việc rà soát, sàng lọc để phát hiện và xử lý kịp thời các ca nhiễm, ổ dịch mới trong cộng đồng.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch tại cơ sở bảo trợ xã hội, các nhà dưỡng lão, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam; phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cho công tác phòng chống dịch để sử dụng kịp thời, hiệu quả với kinh phí từ ngân sách Nhà nước; tổ chức tiếp nhận, chuyển giao số máy thở được hỗ trợ, tài trợ từ một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Khoanh vùng dập dịch, hạn chế lây lan
Tại Hội nghị trực tuyến "Đánh giá kết quả triển khai công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương" với 27 điểm cầu các tỉnh, thành phố có ca mắc COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức ngày 4/4, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh: Đã có nhiều bệnh viện thực hiện giãn cách chống dịch như yêu cầu người bệnh, người nhà bệnh nhân giữ khoảng cách xa nhau; tiến hành phân luồng, đo nhiệt độ, thực hiện khai báo y tế, phun khử khuẩn đồ dùng mang theo... ngay từ cổng vào bệnh viện.
Nhà thờ Giáo xứ Hàm Long (Hà Nội) đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, các bệnh viện không được lơ là bởi tất cả những người vào viện đều có nguy cơ nhiễm bệnh, mang nguồn bệnh từ bên ngoài vào.
"Vì vậy việc đầu tiên là phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ và đảm bảo khoảng cách giữa người đến khám như theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế. Bộ đã yêu cầu các bệnh viện triển khai hẹn khám, khám trực tuyến và cấp phát thuốc từ 1 - 3 tháng đối với những trường hợp bệnh nhân có bệnh mãn tính điều trị dài ngày. Đối với bệnh nhân nội trú, chỉ một người nhà được ở lại chăm và cấm cho người đến thăm bệnh nhân", Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: "Để thực hiện tốt việc khoanh vùng dập dịch theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị các địa phương nghiêm túc triển khai các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia, đặc biệt là triển khai quyết liệt Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2020 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 và văn bản số 2601/VPCP-KGVX ngày 3/4/2020 về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về phòng chống dịch COVID-19. Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở các địa phương nghiên cứu các kết luận phiên họp của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và họp bàn báo cáo giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác phòng chống dịch tại địa phương ít nhất 2 ngày/lần".
Ban chỉ đạo Quốc gia đã ban hành kế hoạch cập nhật bổ sung đối với các cấp độ dịch trong tình hình hiện nay, xác định hiện đang ở cấp độ 3, vì vậy, Ban chỉ đạo các địa phương căn cứ vào kế hoạch mới nhất của Ban chỉ đạo quốc gia và tình hình cụ thể của địa phương mình để xây dựng kế hoạch ứng phó cho phù hợp với tình hình dịch của địa phương, đồng thời chuẩn bị phương án trong trường hợp dịch lan rộng.
Bên cạnh đó, cần phân công cán bộ trực phòng chống dịch 24/24 giờ và báo cáo ngay số điện thoại trực về Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tổng hợp để Ban Chỉ đạo có kênh liên lạc và chỉ đạo kịp thời về công tác phòng chống dịch.
Cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân
Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là các thành phố lớn đẩy mạnh dự trữ, bảo đảm sẵn sàng cho mọi tình huống và thực hiện tốt việc cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân với chất lượng, giá cả phù hợp; chú trọng quan tâm, chăm lo bảo đảm đời sống cho người nghèo.
Lực lượng chức năng kiểm tra, nắm tình hình thị trường và giá hàng hóa tại chợ Tam Bình, huyện Tam Bình (Vĩnh Long). Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thực hiện giãn cách toàn xã hội, nhất là về việc mọi người hạn chế tối đa ra ngoài và di chuyển, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển sang làm việc tại nhà và các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chú trọng thông tin về các tấm lòng nhân ái, tấm gương tốt tích cực hưởng ứng công tác phòng, chống dịch và lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
Xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly, không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ. Đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Xử lý nghiêm, trục xuất người nước ngoài vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xử lý đề nghị của các nước về hợp tác phòng, chống dịch, phát huy vai trò, vị thế Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc của nước ta, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện việc viện trợ, hỗ trợ các nước Lào, Campuchia phòng chống dịch trên cơ sở đề nghị, thống nhất với nước bạn. Xem xét việc hỗ trợ một số trang thiết bị, vật tư y tế cho các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam như: Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha....
Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý đối với người nhập cảnh từ Campuchia sau khi hết thời hạn cách ly, bảo đảm chặt chẽ, không để phát sinh phức tạp.
Bộ Quốc phòng khẩn trương thành lập đoàn cán bộ quân y sẵn sàng cơ động sang giúp bạn Lào phòng chống dịch COVID-19. Các bộ, ngành, địa phương cần thay đổi mạnh mẽ tư duy, phương pháp làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc trực tuyến, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, phát triển nền kinh tế số.
Lên phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho tình huống khẩn cấp
Thời gian qua, dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh trên toàn cầu và tại Việt Nam, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế xã hội và sức khỏe, tính mạng của người dân. Trước tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nếu không kiểm soát tốt sẽ lây lan rộng, từ đó gây áp lực lớn lên hệ thống y tế, do vậy cần phải chuẩn bị tốt mọi phương án ứng phó, trong đó có việc chuẩn bị cho công tác xây dựng bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử của Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang được trang bị nhiều máy móc thiết bị hiện đại với tổng kinh phí đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN.
Để chủ động các phương án chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến khi có dịch bùng phát, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và các địa phương, cơ quan liên quan rà soát lại Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về xây dựng, thiết lập bệnh viện dã chiến, trong đó đề xuất bổ sung các địa điểm phù hợp để bố trí xây dựng bệnh viện dã chiến trên địa bàn.
Trước mắt tập trung các địa điểm, nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, để bảo đảm phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2020.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế lập thiết kế điển hình, lập dự toán xây dựng bệnh viện dã chiến có quy mô, hình thức khác nhau (xây dựng mới theo hình thức lắp ghép; lều bạt hay cải tạo các công trình sẵn có như sân vận động, nhà thi đấu, hội trường, cơ sở giáo dục…), đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch huy động các đơn vị có uy tín, kinh nghiệm để đảm bảo nhân lực, phương tiện, nguyên vật liệu… để có thể triển khai nhanh chóng ngay khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, đúng quy định.
Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và cơ quan liên quan xây dựng cơ chế đặc thù để triển khai nhanh các bệnh viện dã chiến được thiết lập theo kế hoạch trên. Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng rà soát lại số lượng giường bệnh, các loại vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu để có phương án sản xuất, mua sắm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, tương ứng với các bệnh viện dã chiến khi được đầu tư xây dựng.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, Y tế, Xây dựng chuẩn bị tốt các phương án, đề xuất cơ chế đầu tư xây dựng công trình theo lệnh khẩn cấp để có thể triển khai nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2020.
Theo TTXVN/Báo Tin tức