Tổng thống Trump cảnh báo “tuần cam go nhất”
Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận số trường hợp mắc COVID-19 cao nhất trên thế giới, với 307.721 ca, trong đó số ca tử vong là 8.377 tính tới 6h sáng 5/4.
New York là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 113.806 ca mắc bệnh và 3.565 ca tử vong. Ngày 4/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ triển khai thêm 1.000 nhân viên quân sự tới New York nhằm giúp thành phố này kiểm soát được dịch COVID-19.
Người dân ở New York đeo khẩu trang phòng ngừa dịch COVID-19 ngày 3/4. Ảnh: THX/TTXVN
Các bang có số bệnh nhân COVID-19 trên 10.000 người là New Jersey, Michigan, California, Louisiana, Florida, Massachusetts và Pennsylvania.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo rằng "tuần cam go nhất" của nước Mỹ sắp đến và dự báo sẽ có nhiều ca tử vong do bùng phát dịch bệnh. Phát biểu trong cuộc họp báo của lực lượng đặc nhiệm chuyên trách phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Nhà Trắng ngày 4/4, Tổng thống Trump cam kết sẽ cung cấp cho các điểm nóng dịch bệnh trên khắp nước Mỹ vật tư y tế cần thiết nhằm đối phó với đại dịch, đồng thời lưu ý rằng chính phủ liên bang đã lập các bệnh viện dã chiến mới tại một số bang và đã sẵn sàng điều trị cho các bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến ở New York.
Các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đã nộp đơn vay 5,4 tỷ USD sau khi chương trình cứu trợ do Chính phủ Mỹ ban hành bắt đầu có hiệu lực.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã mất 701.000 việc làm trong tháng Ba vừa qua sau khi nhiều nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ... phải đóng cửa do tác động của dịch bệnh COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế số một thế giới tăng lên mức 4,4%. Bộ Lao động Mỹ cho biết tháng Ba vừa qua là tháng thị trường việc làm ghi nhận số người lao động mất việc cao nhất kể từ tháng 3/2009 - thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ở giai đoạn trầm trọng nhất. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng này cũng ghi nhận mức tăng cao nhất tính theo tháng trong hơn 45 năm qua.
Châu Âu: Tây Ban Nha vượt Italy về số ca nhiễm
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Octubre, Tây Ban Nha ngày 2/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tây Ban Nha đã vượt Italy về số ca mắc COVID-19, đứng thứ hai chỉ sau Mỹ, với gần 126.168 ca và 11.947 ca tử vong. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 4/4 đã phải gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 25/4 tới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Thủ tướng Sanchez cũng cho biết Madrid sẽ nới lỏng các quy định về hạn chế hoạt động kinh tế, vốn được áp đặt theo lệnh tình trạng khẩn cấp dự kiến có hiệu lực đến sau kỳ nghỉ Lễ Phục Sinh. Ông Sanchez cũng tuyên bố Tây Ban Nha sẽ “không từ bỏ ý tưởng phát hành trái phiếu châu Âu” như một phương án nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra.
Italy là quốc gia có số ca tử vong cao nhất trên toàn cầu, với 15.362 người trong gần 124.632 người nhiễm bệnh. Theo người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Angelo Borrelli, tình trạng phong tỏa có thể sẽ kéo dài sau ngày 13/4, thậm chí người dân Italy cũng sẽ phải ở nhà vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza khẳng định giãn cách xã hội là vũ khí duy nhất đẩy lùi dịch bệnh. Italy có thể bước vào giai đoạn 2, sống chung với dịch bệnh, vào thời điểm giữa tháng 5.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện St Thomas ở phía Bắc London, Anh ngày 31/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, Anh ngày 4/4 công bố thêm 708 trường hợp tử vong do COVID-19, mức tăng trong ngày thứ 4 liên tiếp, trong khi số ca nhiễm tăng lên đến gần 42.000 người. Bộ Y tế Anh thông báo Anh có tổng cộng 183.190 người được xét nghiệm. Tuy nhiên, Anh thông báo có thể nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội trong vài tuần tới nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước này thuyên giảm và việc xét nghiệm được tiến hành trên quy mô lớn hơn.
Tại Bỉ, tính tới 6h sáng 5/4, số ca tử vong được ghi nhận là 1.283 ca, tăng 140 ca trong 24 giờ qua. Theo số liệu từ Trung tâm Xử lý Khủng hoảng Quốc gia Bỉ, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.661 ca bệnh mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh trên toàn quốc lên 18.431 người. Trong khi đó, có thêm 375 người được chữa khỏi và xuất viện. Bỉ hiện có 1.245 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực, trong đó có 985 bệnh nhân phải sử dụng máy thở.
Tại Nga, nước này đã ghi nhận thêm 582 ca nhiễm và 9 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 4.731 và 43 ca tử vong. Hầu hết trong số các ca mới nhiễm đều được ghi nhận ở thủ đô Moskva.
Diễn biến tại châu Á
Mặc niệm trong lễ quốc tang tưởng nhớ các liệt sĩ và bệnh nhân tử vong vì đại dịch COVID-19 ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 4/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 4/4, Trung Quốc đã tổ chức một ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân của dịch bệnh COVID-19. Đây là sự kiện được tổ chức để tưởng niệm những liệt sĩ và người dân Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Tại Thái Lan - quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc phát hiện trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, Nội các nước này đã thông qua kế hoạch của Bộ Y tế tuyển dụng 45.684 viên chức đặc biệt là nhân viên chính phủ để đối phó với dịch COVID-19. Trong khi đó, Cơ quan Hàng không Dân dụng Thái Lan thông báo Thái Lan sẽ tạm thời cấm tất cả chuyến bay chở khách hạ cánh xuống nước này. Thái Lan ngày 4/4 công bố có thêm 89 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 1 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước ngày lên 2.067 và tổng số người tử vong lên 20.
Ngày 4/4, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận thêm 3 ca tử vong do dịch COVID-19, cùng 94 ca mắc mới. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), số ca nhiễm tại "tâm dịch" thứ hai của châu Á đã lên tới 10.156 ca, trong khi số trường hợp không qua khỏi là 177 ca. Theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ Hàn Quốc, người dân được khuyến cáo tránh nơi tụ tập đông người cho tới ít nhất ngày 19/4 tới. Chính phủ nhấn mạnh tính hiệu quả của biện pháp giãn cách xã hội trong việc ngăn ngừa dịch bệnh lây lan đã phát huy hiệu quả.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết số ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng lên 68 người và tổng số ca nhiễm virus trên cả nước hiện tăng lên thành 3.082 người. Cho đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận 184 bệnh nhân khỏi bệnh và được ra viện. Ngày 4/4 là ngày thứ bảy liên tiếp trong đợt phong tỏa kéo dài 21 ngày đang diễn ra trên toàn Ấn Độ để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19.
Châu Mỹ: Ca mắc và tử vong tăng mạnh
Phun khử trùng tàu điện ngầm tại Mexico City ngày 19/3. Ảnh: THX/TTXVN
Ở khu vực châu Mỹ, số ca mắc và tử vong tại Mexico và Brazil tăng mạnh trong 24 giờ qua.
Cụ thể, tới 6h sáng 5/4, theo trang worldometers.info, với 178 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc bệnh COVID-19 tại Mexico đã lên tới 1.688 ca, trong đó 60 ca tử vong và 5.398 người nghi ngờ nhiễm virus. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất tại Mexico.
Cơ quan y tế cho biết từ thời điểm xác nhận có ca dương tính đầu tiên vào ngày 28/2 đến nay, Mexico đã tiến hành trên 15.000 xét nghiệm. Trong 2 tuần tới, Mexico sẽ tăng cường xét nghiệm, với 50.000 bộ xét nghiệm vừa được Trung Quốc hỗ trợ.
Dịch COVID-19 ở Mexico đang trong giai đoạn 2 (mức độ lây lan cộng đồng) và mạng lưới y tế chỉ có 8 bệnh viện và 3.000 giường bệnh được trang bị đầy đủ các thiết bị để chăm sóc các ca bệnh nặng. Mexico đã đưa vào hoạt động 10 trung tâm cách ly tự nguyện có khả năng tiếp nhận khoảng 4.000 ca bệnh nhẹ. Cơ sở vật chất sẽ được tăng cường để đảm bảo việc điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, Mexico hiện thiếu hụt trầm trọng bác sỹ và y tá để điều trị bệnh nhân COVID-19. Bộ trưởng Y tế Jorge Alcocer Varela cho biết hệ thống y tế nước này thiếu gần 7.000 bác sỹ và trên 23.000 y tá.
Bộ Y tế Mexico nhận định số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới và dự báo đỉnh dịch tại Mexico sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.
Binh sĩ Brazil phun thuốc khử trùng tại nhà ga tàu điện ngầm trung tâm thủ đô Brasilia ngày 29/3. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Bộ Y tế Brazil thông báo trong 24 giờ qua đã có thêm 68 ca tử vong và 1.084 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng ca mắc bệnh lên 10.278 người, trong đó có 431 ca tử vong. Một lần nữa, giới chức y tế Brazil cho rằng việc thực thi nghiêm giãn cách xã hội là cần thiết bởi các biện pháp này sẽ giúp cơ quan chức năng có thêm thời gian tăng cường trang thiết bị y tế cho các bệnh viện để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị cho các bệnh nhân trong thời gian tới.
Trước đó, Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) đã phê duyệt một quỹ khẩn cấp nhằm đối phó dịch COVID-19. Theo đó, MERCOSUR nhất trí phân bổ 16 triệu USD thông qua Quỹ tiếp cận cơ cấu (FOCEM) tới các nước thành viên, bao gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. Quy chế của FOCEM nêu rõ các nguồn tài chính từ quỹ này "không cần được các quốc gia hoàn trả và không bị tính lãi tài chính". Theo website chính thức của MERCOSUR, khoảng 5,8 triệu USD từ quỹ khẩn cấp đã được phân bổ để mua thiết bị, vật tư y tế, vật liệu bảo hộ dành cho nhân viên y tế và các bộ dụng cụ phát hiện nhanh virus SARS-CoV-2.
Châu Phi có 44 quốc gia ban bố lệnh cấm tụ tập đông người
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại trạm xét nghiệm COVID-19 ở Johannesburg, Nam Phi ngày 2/4. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bản cập nhật tình hình mới nhất về dịch COVID-19 tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu lục (ACDC) - cơ quan y tế chuyên ngành của Liên minh châu Phi (AU) - cho biết khoảng 44 quốc gia thành viên AU đã ban bố lệnh cấm tụ tập đông người, cũng như đóng cửa các địa điểm công cộng để ngăn ngừa SARS-CoV-2. Ít nhất 12 nước cũng đã thực hiện giới nghiêm hoàn toàn nhằm hạn chế sự di chuyển không cần thiết trên toàn quốc. Trong khi đó, 17 nước mới chỉ áp dụng lệnh giới nghiêm một phần (vào ban đêm).
Tính đến hết ngày 4/4, toàn châu Phi đã ghi nhận 8.220 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 372 người đã tử vong. Khu vực Bắc Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với trên 3.280 trường hợp nhiễm bệnh và gần 280 người tử vong. Khu vực Nam châu Phi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai, với trên 1.600 trường hợp nhiễm bệnh, trong khi khu vực phía Tây châu lục đã có trên 1.400 trường hợp mắc COVID-19. ACDC cũng cho biết ít nhất 763 người nhiễm COVID-19 đã được điều trị khỏi hoàn toàn trên khắp châu Phi.
Theo TTXVN/Báo Tin tức