Năm 2014, đứng trước nhiều cơ hội có được việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp loại khá tại một trường Trung cấp ở TP. Hồ Chí Minh nhưng Rảm vẫn quyết định trở về quê để bắt đầu lập nghiệp với hành trang duy nhất là kiến thức tích lũy từ giảng đường. Những ngày đầu về quê cũng là lúc địa phương đang triển khai Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Phước Đại, Rảm tự tin là người đầu tiên đăng ký tham gia bởi đây là môi trường tốt để bản thân và nhiều đoàn viên, thanh niên tại địa phương hỗ trợ nhau khởi nghiệp. Tham gia dự án, Rảm có nhiều cơ hội được tiếp cận với kiến thức khoa học-kỹ thuật hiện đại, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả thông qua các lớp tập huấn được triển khai. Trên nền tảng kiến thức và trải nghiệm có được, Rảm lựa chọn mô hình chăn nuôi để bắt đầu khởi nghiệp. Nhận thấy Rảm là hộ nghèo nhưng lại giàu ý chí, nghị lực trong phát triển kinh tế, Huyện đoàn Bác Ái giúp Rảm tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để vay 50 triệu đồng làm vốn sản xuất. Từ nguồn vốn ban đầu, Rảm mua 2 con bò và 1 con trâu, xây dựng cơ sở chuồng trại, khu trồng cỏ. Không dừng lại ở đó, Rảm còn chăm chỉ nhận làm thuê tại nhiều nơi để tăng thu nhập nhằm phát triển hơn nữa mô hình chăn nuôi. Từ bàn tay trắng qua 5 năm miệt mài trong lao động sản xuất, Rảm thoát khỏi hộ nghèo, có thu nhập ổn định mỗi năm 100 triệu đồng từ chăn nuôi với đàn bò và trâu 12 con, đàn gà hơn 200 con và 3 sào đất trồng hoa màu.
Trò chuyện với chúng tôi tại nông trại, Rảm chia sẻ: Mọi người thường nghĩ rằng khi tôi về quê khởi nghiệp là làm những những mô hình có quy mô lớn, cây trồng mới nhưng đối với tôi khởi nghiệp đơn thuần là lao động hết mình, đầu tư kiến thức với những nền tảng sẵn có về cây trồng, vật nuôi tại địa phương, từ đó tạo nguồn thu nhập ổn định trong quá trình sản xuất. Trong đôi mắt lắp lánh khi nói đến tương lai nhiều điều đẹp đẽ, Rảm chỉ tay về khu đất trống mới mua với tham vọng sắp tới của bản thân sẽ tiếp tục mở rộng mô hình với nhiều con giống, cây trồng mới. Từ những mô hình này, bà con địa phương có thể học hỏi và nhân rộng, qua đó cho thu nhập ổn định và thoát nghèo.
Đồng chí Chamaléa Thị Búng, Phó Bí thư Huyện đoàn Bác Ái cho biết: Từ hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, nhờ sự chăm chỉ, linh động nắm bắt thị trường trong sản xuất, Rảm đã vươn lên là hộ gia đình trẻ có kinh tế khá của địa phương. Rảm xứng đáng là tấm gương truyền cảm hứng về ý chí cầu tiến trong phát triển kinh tế, biến những khó khăn, thách thức trước mắt thành động lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, làm giàu khi lập thân, lập nghiệp tại quê hương, qua đó đóng góp một phần công sức vào sự phát triển chung của địa phương.
Lê Thi