Theo tờ Vox, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không tốt cho thị trường lao động. Những tuần gần đây đã chứng kiến đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục khi các doanh nghiệp và nhiều ngành nghề đóng cửa hoàn toàn để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Hậu quả là nền kinh tế lao dốc, chỉ số chứng khoán Dow Jones và S&P 500 giảm hơn 20% từ mức cao trong tháng 2.
Robot giao hàng tự động ở thành phố Milton Keynes, Anh. Ảnh: Getty Images
Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội có thể là tạm thời nhưng ảnh hưởng của đợt suy thoái kinh tế với thị trường lao động sẽ kéo dài.
Ông Mark Muro, thành viên cấp cao và là giám đốc chính sách tại Chương trình Chính sách Đô thị tại Viện Brookings, gần đây cho rằng bất kỳ cuộc suy thoái nào liên quan tới virus Corona có thể khiến robot ngày càng thay thế người lao động nhiều hơn.
Trong thời điểm khó khăn ví dụ như suy thoái kinh tế, chi phí lao động con người sẽ đắt hơn so với robot. Một công ty có thể tính tới tự động hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp bằng công nghệ mới để tăng năng suất. Do đó, họ sẽ thay người lao động ít kỹ năng bằng lao động nhiều kỹ năng hơn hoặc tăng cường sử dụng công nghệ tự động hóa.
Phần mềm công nghệ không còn đắt như cách đây chục năm. Có rất nhiều công nghệ chất lượng cao sẵn có chờ các doanh nghiệp triển khai. Hơn nữa, máy móc hay robot không ốm, không phải ở nhà khi có đại dịch. Đó là lý do mà robot sẽ được sử dụng nhiều hơn con người trong tình hình như hiện nay.
Theo Nir Jaimovich và Henry Siu, trong ba cuộc suy thoái kinh tế trong 30 năm qua, 88% số công việc bị mất diễn ra trong các ngành nghề có thể tự động hóa cao. Nghiên cứu của Brad Hershbein và Lisa Kahn thuộc Đại học Rochester cho thấy doanh nghiệp ở các khu vực bị tác động mạnh nhất thường thay thế người lao động mà công việc là thực hiện nhiệm vụ có thể tự động hóa.
Robot trong một cửa hàng tạp hóa. Ảnh: Forbes
Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ngành nghề được tự động hóa nhiều nhất là ô tô và sản xuất. Còn với khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, ngành dịch vụ thực phẩm và ăn ở chịu nhiều áp lực
Với tiến bộ công nghệ hiện có, tổng cộng 36 triệu việc làm ở Mỹ trong nhiều ngành nghề có thể bị máy móc “chiếm”. Tình trạng đó hiện chưa xảy ra ồ ạt nhưng con số dự báo cho thấy số lượng công việc có thể bị tác động. Dù đó không chiếm tỷ lệ lớn trong cả nền kinh tế nhưng rõ ràng 36 triệu người không phải là con số nhỏ. Họ làm những công việc lặp đi lặp lại và dễ bị thay thế bằng robot hoặc phần mềm văn phòng.
Trái lại, các ngành nghề như y tế, giáo dục, quản lý sẽ chịu áp lực ít nhất, ít nhất là không bị sa thải ngay lập tức. Tuy nhiên, theo ông Mark Maru, chúng ta cũng có thể thấy việc học từ xa trong giáo dục cũng đang áp dụng nhiều công nghệ mới.
Tóm lại, suy thoái do đại dịch COVID-19 có quy mô tác động rộng hơn các cuộc suy thoái trước đó. Nó sẽ có thể tác động tới mọi loại nghề.
Theo TTXVN/Báo Tin tức