Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, đến ngày 26-3, mực nước tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn 46,22 triệu m3, đạt 23,8% tổng dung tích thiết kế. Trong đó, 14 hồ đã khô kiệt và xấp xỉ mực nước chết khiến khả năng cung cấp nước sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, lượng nước từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim tiếp cho hệ thống sông Cái bị thiếu hụt. Theo tính toán, để đảm bảo lượng nước tưới cho cây trồng vụ đông - xuân 2019-2020, lưu lượng xả Nhà máy Thủy điện Đa Nhim phải ở mức 18m3/s, nhưng hiện tại đang là mùa khô nên công xuất chạy phát điện cũng chỉ nằm ở mức 12-14m3/s, nên không đủ nước cung cho sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu.
Đập dâng Tân Mỹ. Ảnh: V.M
Trước tình hình khó khăn, để đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, công ty xây dựng phương án điều tiết nước dựa vào tình hình thực tế sản xuất cũng như lượng nước tại các hồ chứa. Trong đó, giải pháp mang tính lâu dài là liên thông hồ chứa, xây dựng tuyến mương dã chiến dài 3km để dẫn nước từ Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ về bổ sung cho hồ Thành Sơn hơn 1 triệu m3, tiếp cho kênh Bắc, đảm bảo đủ tưới cho cây trồng vụ đông - xuân ở trong vùng hưởng lợi. Ông Trần Văn Hùng, hộ chăn nuôi tại xã Xuân Hải (Ninh Hải) cho biết: Mọi năm đến mùa hạn hồ Thành Sơn cạn, không đủ nước nên phải ngừng sản xuất. Hiện nay, khi điều tiết nước về hồ Thành Sơn giúp người dân có nước trồng cỏ để chăn nuôi và không phải di chuyển đàn gia súc trong mùa hạn. Bên cạnh đó, để bổ sung lượng nước thiếu hụt đập Nha Trinh, Lâm Cấm, Công ty đã linh hoạt điều tiết nước bổ sung từ hồ Sông Sắt và Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với lưu lượng 4m3/s. Còn hệ thống các kênh phân phối nước tại các hồ chứa, Công ty tiếp tục phối hợp với địa phương xây dựng lịch điều tiết nước cụ thể cho từng tuyến kênh, tập trung vận hành điều tiết “Tưới luân phiên” đảm bảo cấp nước hiệu quả, tiết kiệm, không để xảy ra tình trạng thiếu nước làm giảm năng suất cây trồng.
Đồng chí Phạm Ngọt, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, cho biết: Thời gian qua, Công ty phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi trong quá trình điều tiết nguồn nước của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim theo kế hoạch đã được thống nhất để phục vụ sản xuất. Đồng thời, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ lưu lượng chạy máy phát điện của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và nhu cầu nguồn nước ở hạ du để chủ động điều tiết nước bổ sung từ hồ chứa nước Sông Sắt, Trà Co, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu nước, đặc biệt là nguồn nước tại đập Lâm Cấm cấp cho Nhà máy nước Tháp Chàm. Trong trường hợp lượng nước chạy máy phát điện của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim thấp, Công ty sẽ chủ động điều tiết nước bổ sung từ các hồ chứa; đồng thời, tăng cường phối hợp với UBND các huyện, xã và các tổ, đội dùng nước thường xuyên kiểm tra, đánh giá, theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước tại các đập dâng, các kênh lấy nước, đảm bảo cấp nước đúng đối tượng, đúng nhu cầu, hiệu quả và tiết kiệm.
Thanh Thịnh