Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, mặc dù đang trong vụ bấc, nhưng do thời tiết không thuận lợi, nên ước tính sản lượng khai thác hải sản tỉnh ta từ đầu năm đến cuối tháng 3 chỉ đạt 19.980,2 tấn, tức mới đạt 17,52% kế hoạch năm song vẫn tăng 81,1% so với cùng kỳ năm trước. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trong quý I toàn tỉnh đã thả nuôi tôm thương phẩm, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, với diện tích 110 ha (trong đó có 60 ha năm 2019 chưa thu hoạch chuyển sang), đạt 20,8% kế hoạch, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể từng vùng nuôi như sau: An Hải (Ninh Phước) 25 ha, Thuận Nam 60 ha, Ninh Hải 24 ha và Tp Phan Rang-Tháp Chàm 1 ha. Ước đến cuối tháng 3, sản lượng thu hoạch khoảng 650 tấn, đạt 11,2 % kế hoạch và 100% cùng kỳ. Điều phấn khởi là các đối tượng nuôi khác như ốc hương (28 ha), tôm hùm (219 bè nổi/ 1.700 lồng nổi), cá biển (khoảng 700 lồng)… sinh trưởng và phát triển tốt, không xuất hiện các dấu hiệu của bệnh. Về sản xuất giống, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh sản xuất 10,1 tỷ con giống, bao gồm 7,5 tỷ con tôm thẻ chân trắng giống và 2,6 tỷ con tôm sú giống, đạt 28,1% kế hoạch và vượt 5,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra còn có khoảng 40 triệu con giống các đối tượng hải đặc sản khác (ốc hương, hàu, cá biển,...) cũng được sản xuất tại 38 cơ sở.
Ngư dân Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) khai thác hải sản có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Trong năm qua, dù còn những khó khăn nhất định song có thể nói kinh tế thủy sản tỉnh ta đã và đang phát huy lợi thế phát triển ngành, huy động đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế thủy sản như: Năng lực tàu thuyền, sản xuất giống hải sản, lao động biển được đào tạo nghiệp vụ. Chính những yếu tố đó đã làm tăng mạnh sản lượng khai thác hải sản và sản lượng giống thủy sản từng năm. Với việc chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, kinh tế thủy sản đã cho thấy vị thế quan trọng và sự đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà. Đặc biệt từ khi Đề án “Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013 – 2020” được triển khai, điểm nhấn là tập trung sắp xếp lại hoạt động khai thác ven bờ, phát triển đội tàu công suất lớn với các tổ đoàn kết trên biển để vươn khơi khai thác, từng bước hoàn chỉnh hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, đã tạo bước ngoặt mới cho nghề cá tỉnh nhà.
Tàu khai thác xa bờ của ngư dân tỉnh neo đậu tại cảng cá Ninh Chữ. Ảnh: V.Miên
Những năm gần đây, việc triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản” và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, đã tạo chất xúc tác cho tàu cá tỉnh nhà vươn khơi. Qua đó có thể thấy trong lĩnh vực khai thác hải sản đang có những chuyển động mới mà rõ nhất là năng lực tàu cá. Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ tính riêng số lượng tàu có vỏ dài từ 15m trở lên (tức tàu khai thác xa bờ theo Luật Thủy sản 2017 quy định), so với cuối tháng 1, mới thời gian ngắn toàn tỉnh đã có thêm 66 chiếc, nâng tổng số tàu cá khai thác xa bờ lên 703 chiếc; trong đó có 638 chiếc có vỏ dài từ 15m - dưới 20m, 45 chiếc từ 20m - dưới 24m và 20 chiếc từ 24m - dưới 30m. Đó là nhân tố quan trọng tạo tiền đề cho tỉnh ta xúc tiến tổ chức lại sản xuất nghề cá và chuyển dịch dần cơ cấu hải sản đánh bắt theo hướng đi xa bờ, nâng cao giá trị kinh tế, trước mắt là khai thác hiệu quả trong vụ cá nam sắp đến.
Nhằm phát huy truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 61 năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói chung và ngành thủy sản tỉnh nhà nói riêng đang có bước khởi động mới đầy triển vọng cho nghề cá, hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm nay là khai thác 113.400 tấn hải sản, sản xuất 10.500 tấn thủy sản thương phẩm và sản xuất 35,3 tỷ con giống thủy sản. Theo hướng đó, chuẩn bị bước vào vụ cá nam, Chi cục Thủy sản tỉnh đang ra sức tác động hỗ trợ, tạo ra một xu hướng phát triển mới của cả lĩnh vực khai thác hải sản lẫn nuôi trồng thủy sản.
Bạch Thương