Xâm nhập mặn là hiện tượng nước mặn với nồng độ mặn bằng 4‰ xâm nhập sâu vào nội đồng khi xảy ra triều cường, nước biển dâng hoặc cạn kiệt nguồn nước ngọt. Đối với các cửa sông tiếp giáp với biển, hiện tượng xâm nhập mặn từ biển vào sông xảy ra khá phổ biến, đặc biệt vào mùa kiệt. Khi đó lượng nước từ sông đổ ra biển giảm thấp, thủy triều từ biển sẽ mang nước mặn lấn sâu vào lòng sông làm nước sông bị nhiễm mặn. Nồng độ mặn sẽ giảm dần khi càng tiến sâu vào nội đồng.
Mức độ xâm nhập mặn vào sâu trong sông phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Lượng nước từ thượng nguồn đổ về, lưu lượng càng giảm, nước mặn càng tiến sâu vào đất liền. Biên độ triều vùng cửa sông: vào giai đoạn triều cường, nước mặn càng lấn sâu vào. Địa hình: Địa hình bằng phẳng là yếu tố thuận lợi cho sự xâm nhập mặn. Các yếu tố khí tượng: gió từ biển hướng vào đất liền, nhiệt độ cao, mưa ít... sẽ là tác nhân làm mặn lấn sâu vào nội địa. Hoạt động kinh tế của con người: Việc lấy nước nhiều vào mùa khô (cả nước mặt và nước ngầm) sẽ làm mặn đi vào vào đất liền nhiều hơn.
Một góc khu vực hạ lưu Sông Cái Phan Rang. Ảnh: Văn Nỷ
Trên sông Cái Phan Rang, trong các tháng đầu năm, mực nước tại Trạm Thủy văn Tân Mỹ luôn được duy trì ở mức thấp hơn khoảng 0,30m so với TBNN, mặc dù có sự bổ sung nguồn nước đáng kể từ hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) qua Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và kết hợp điều tiết nước từ hồ Sông Sắt. Bên cạnh đó do công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của hệ thống thủy lợi Nha Trinh, Lâm Cấm và sự tổn thất do các yếu tố thời tiết khắc nghiệt; nên lượng dòng chảy qua đập dâng Lâm Cấm chỉ còn lại rất ít.
Tình hình hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, tính đến thời điểm đầu tháng 3/2020, tổng dung tích 21 hồ chứa nước chỉ còn dưới 30% so với dung tích thiết kế (194.49 triệu mét khối); lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương còn lại khoảng 65% dung tích thiết kế (165,00 triệu mét khối). Do dung tích hồ chứa xuống thấp kết hợp với thiếu mưa dài ngày, kết hợp gió mạnh, nhiệt độ cao, độ bốc hơi lớn dẫn tới nguồn nước ngầm cũng ngày càng trở nên thiếu hụt.
Chính vì vậy, vùng hạ lưu sông Cái Phan Rang đoạn từ đập dâng Lâm Cấm tới cửa Đông Hải chỉ còn lượng dòng chảy ít ỏi do nhập lưu của Sông Lu và Sông Quao; chế độ thủy văn phụ thuộc chủ yếu do hoạt động của thủy triều. Dẫn đến khả năng xâm nhập mặn xảy ra mạnh mẽ tại khu vực này. Trong đó, đoạn từ cầu Đạo Long 2 tới đập Cánh Chim (hạ lưu Cầu Móng khoảng 1km), là vùng nhạy cảm với khả năng xâm nhập mặn; những thời điểm triều cường, mực nước đỉnh triều lớn mức độ xâm nhập mặn cao có thể lan truyền đến đập Cánh Chim.
Theo số liệu quan trắc tại Cầu Đạo Long 2, độ mặn năm 2020 có xu hướng tăng đột biến khoảng từ 10 đến 20 lần so với cùng kỳ các năm trước; có thời điểm độ mặn lớn nhất tại đây lên đến 22‰.
Chúng ta cần lưu ý theo dõi chế độ hoạt động của thủy triều khi xử dụng nguồn nước nước vùng hạ lưu sông Cái Phan Rang phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khu vực từ cầu Đạo Long 2 đến đập Cánh Chim. Theo kết quả tính toán, trong giai đoạn này vào những ngày có xuất hiện mực nước thủy triều lớn có tương quan tỷ lệ thuận với độ mặn tăng cao; vì vậy khuyến cáo bà con chú ý hạn chế sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp vào các ngày có triều cường. Trong thời gian tới Hệ thống công trình Đập hạ lưu Sông Dinh đi vào hoạt động sẽ sớm giải quyết được vấn đề xâm nhập mặn, góp phần cải thiện môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Đặng Thanh Bình