Đồng chí Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cho biết: Theo thống kê, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2,05%/năm, ước tính mỗi năm có hàng ngàn hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, điều đáng nói là, khoảng cách thu nhập giữa nhóm hộ này với hộ nghèo, hộ cận nghèo không lớn, đa số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh hay gia đình có người bệnh là lại tái nghèo. Cũng giống như hộ cận nghèo, nhóm đối tượng này rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi họ cũng rất cần vốn để đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện Quyết định số 28 và Văn bản số 2859/NHCS-TDNN ngày 13-8-2015 Tổng Giám đốc NHCSXH về hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 3112/UBND-VX ngày 5-8-2015, về việc chỉ đạo UBND các cấp và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo trong toàn tỉnh. Đồng thời, Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng tổ chức triển khai các quy trình nghiệp vụ cho vay hộ mới thoát nghèo đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn chi nhánh nghiên cứu, thực hiện cho vay đảm bảo theo đúng quy định. Theo đó, hộ mới thoát nghèo theo quy định tại quyết định này là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hàng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành, được UBND cấp xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm. Mức cho vay và thời hạn vay do NHCSXH và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay cùng loại phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ, thời hạn vay không quá 5 năm. Lãi suất cho vay áp dụng đối với hộ mới thoát nghèo bằng 125% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn đối với các khoản nợ của hộ mới thoát nghèo được thực hiện như đối với hộ nghèo theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Để kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng đến với các hộ mới thoát nghèo có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chủ động, tích cực tập trung giải ngân, nguồn vốn cho vay được NHCSXH tham mưu phân bổ đến cấp xã. Theo đó, doanh số cho vay hộ mới thoát nghèo từ năm 2015 đến 31-12-2019 là 811,3 tỷ đồng, với 27.538 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn, doanh số cho vay bình quân mỗi năm 162,26 tỷ đồng. Mức cho vay bình quân một hộ năm 2019 là 32,6 triệu đồng (năm 2015 là 23,6 triệu đồng/hộ); đầu tư vào các lĩnh vực như: Chăn nuôi (81%), khai thác thủy sản (10%), trồng trọt (3,5%), dịch vụ buôn bán nhỏ (5,5%). Doanh số thu nợ từ năm 2015 đến đầu năm 2020 là 244,5 tỷ đồng. Dư nợ đến 31-12-2019 là 566,13 tỷ đồng, chiếm 26% trong tổng dư nợ, với 23.258 lượt hộ còn dư nợ, với dư nợ bình quân 24,3 triệu đồng/hộ. Đặc biệt, NHCSXH ưu tiên tập trung vốn cho hộ mới thoát nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến đầu năm 2020, dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo người dân tộc thiểu số là 117,6 tỷ đồng, với 4.370 lượt hộ còn dư nợ (chiếm tỷ lệ 20,8% tổng dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo).
Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết, trong số 27.538 lượt hộ được vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo, có gần 50% hộ thoát nghèo bền vững. Dự kiến trong năm 2020, Chi nhánh cho khoảng 5.000 hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền là 200 tỷ đồng. Để chương trình tín dụng ưu đãi tiếp tục phát huy được hiệu quả, trong thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn; tăng cường giám sát quy trình bình xét cho vay, bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng đối tượng.
Xuân Nguyên