Thấm nhuần lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu” bác sỹ Phú Anh Quốc luôn lấy đó làm kim chỉ nam cho mình. Trong công việc, anh luôn ý thức học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ thực tiễn công tác, tích cực học tập, nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật mới nhằm phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn. Anh chia sẻ: Tỉnh ta hiện có 5.913 người khuyết tật, trong đó có gần 3.000 người khuyết tật thuộc nhóm khó khăn về vận động. Để phục hồi chức năng cho người khuyết tật, thân nhân của họ phải tìm đến các bệnh viện, việc di chuyển khó khăn nên bệnh nhân dễ nản lòng, bỏ giữa chừng dẫn đến tỷ lệ thành công chưa cao. Để giúp bệnh nhân có thể tái hòa nhập cộng đồng, từ năm 2003, Bộ Y tế triển khai thí điểm mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại 3 xã, phường Văn Hải, Thanh Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) và Xuân Hải (Ninh Hải). Theo đó hàng tuần, hàng tháng, các kỹ thuật viên ở Phục hồi chức năng (nay sát nhập thành Bệnh viện Y dược cổ truyền) phối hợp với đội ngũ y tế cơ sở đến trực tiếp thăm khám, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho từng bệnh nhân. Qua đó, bệnh nhân không cần di chuyển xa cũng được cán bộ y tế hỗ trợ tận tình, hướng dẫn điều trị, sinh hoạt đúng cách. Mô hình đã trở thành “chiếc phao” mang đậm tính nhân văn, cùng đồng hành giúp người khuyết tật tự vươn lên hoà nhập với cộng đồng.
Từ thành công của mô hình thí điểm, năm 2005 UBND tỉnh tiếp tục xây dựng Đề án “Củng cố và phát triển mạng lưới phục hồi chức năng cho người khuyết tật” trên địa bàn toàn tỉnh. Mô hình không chỉ tạo điều kiện giúp bệnh nhân khuyết tật hoà nhập với cộng đồng mà còn xây dựng được hơn 400 cộng tác viên cơ sở rải đều khắp 65 xã, phường. Đội ngũ này được “cầm tay chỉ việc” để có kiến thức, kỹ năng giúp người khuyết tật tập luyện ngay tại nhà. Thông qua mô hình, đến nay đã có 1.777 người khuyết tật khó khăn về vận động đã hồi phục và hoà nhập với cộng đồng. Với tinh thần không ngừng học hỏi trong năm 2019, anh tiếp tục đạt giải Khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận lần thứ V với giải pháp “Nghiên cứu chế tạo đầu phát Laser không chân đế thành đầu phát Laser có chân đế trên máy Laser quang trị liệu hai bước sóng” giúp điều trị bệnh nhân hiệu quả hơn.
Trên cương vị là Phó Giám đốc Bệnh viện, anh luôn sẵn sàng trao đổi chuyên môn, chỉ dạy tận tình cho các y, bác sĩ trẻ để xây dựng tập thể đội ngũ y, bác sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn ngày càng cao. Đối với người bệnh, anh luôn ân cần, thăm hỏi động viên, hướng dẫn tận tình và chu đáo. Với tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, tạo sự thoải mái, tin tưởng trong mỗi bệnh nhân nên Bệnh viện Y Dược cổ truyền đã thu hút người bệnh đến khám, chữa bệnh ngày càng đông. Trong năm 2019, công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện đạt 107,2%.
Mặc dù bận rộn và áp lực trong công việc nhưng anh thường xuyên tham gia khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo, gia đình chính sách ở xã Phước Hà (Thuận Nam) Phước Bình (Bác Ái)... Với anh, được trực tiếp tham gia chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa,... là những cơ hội, những chuyến đi đầy ý nghĩa. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm, một ấn tượng mà anh cùng các đồng nghiệp luôn trân quý vì được chung tay giúp đỡ cộng đồng.
Gần 19 năm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bác sĩ Phú Anh Quốc đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất mà anh dành được đó chính là tình cảm, sự yêu mến và quý trọng của đồng nghiệp, của bệnh nhân dành cho mình.
Mỹ Dung