Ninh Hải triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với hạn

Để chủ động ứng phó với tình trạng khô hạn kéo dài, huyện Ninh Hải đã và đang triển khai các giải pháp duy trì, bảo đảm đủ nguồn nước cho sản xuất và chăn nuôi, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) huyện Ninh Hải, hiện tại hồ Ông Kinh không còn nước, nông dân đang tiến hành đào ao, khoan giếng, dùng máy bơm khai thác nước ngầm tưới cho cây trồng. Chị Nguyễn Thị Ngà, xã Nhơn Hải, cho biết: Để có đủ nước tưới cho 3 sào hành, gia đình đầu tư gần 20 triệu đồng đào giếng. Mọi năm đến gần tháng 5 nước ngầm mới bắt đầu giảm sụt, nhưng năm nay mực nước giảm thấy rõ khi các giếng khoan nước rất ít, để tưới cho 3 sào hành tốn rất nhiều thời gian.

Nông dân Ninh Hải chăm sóc cây hành.

Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng NN&TPNT huyện Ninh Hải, cho biết, hiện nay mực nước tại 3 hồ chứa trên địa bàn chỉ để phục vụ chăn nuôi và tưới cho các loại cây trồng lâu năm. Cụ thể, hồ Thành Sơn lượng nước chỉ còn 590 ngàn/2.046 ngàn m3, hồ Ông Kinh không còn nước, hồ Nước Ngọt lượng nước còn 930 ngàn/1,8 triệu m3; nước trên các sông, suối và mực nước ngầm đều sụt giảm so với mọi năm. Dự báo trong thời gian tới, nhiều diện tích đất nông nghiệp phải dừng sản xuất, nguy cơ thiếu lương thực ở một số nơi sẽ xảy ra.

Trước thực trạng trên, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Trạm Thủy nông tổ chức nhiều đợt kiểm tra, khảo sát thực tế về nguồn nước để điều tiết hợp lý, tiết kiệm. Qua đó, khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị thiếu nước để xây dựng kế hoạch tưới cụ thể cho từng vùng; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với hạn như: Đắp đập tạm trữ nước, đào ao, vét giếng, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng nguồn nước phục vụ sản xuất. Phòng NN&PTNN khuyến cáo nông dân giảm diện tích xuống giống lúa ở vụ hè-thu 2020, tăng diện tích cây trồng cạn, ít sử dụng nước; áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hạn như: Mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây nho, măng tây xanh; mô hình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa; mô hình xen canh, luân canh có sử dụng vật liệu giữ ẩm để tiết kiệm nguồn nước. Đối với các khu vực nước tưới không đảm bảo, thì dừng việc gieo trồng để tránh thiệt hại cho bà con.

Người dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải) nỗ lực đào ao tìm kiếm nguồn nước. Ảnh: Văn Nỷ

Hiện trên địa bàn huyện có 216.935 con gia súc, gia cầm, để duy trì ổn định tổng đàn, tránh tình trạng gia súc chết do thiếu thức ăn và nước uống, huyện chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chuồng trại chăn nuôi; vận động nhân dân dự trữ thức ăn gia súc như thu gom rơm, cây bắp và cây đậu, kết hợp trồng thêm cỏ để bổ sung thức ăn tươi cho đàn gia súc; loại thải bớt gia súc già yếu, chia nhỏ đàn để dễ chăm sóc và trong điều kiện thiếu thức ăn, nước uống sẽ tiến hành di chuyển đàn gia súc từ vùng khô hạn đến những nơi có điều kiện về nước uống, thức ăn. Cụ thể, đối với thị trấn Khánh Hải, xã Xuân Hải, Hộ Hải, Tân Hải, huyện sẽ vận động chủ hô nuôi di chuyển đàn gia súc về nơi có nguồn nước, nguồn thức ăn dọc tuyến kênh Bắc, hồ Thành Sơn. Riêng đàn gia súc của xã Nhơn Hải, Thanh Hải, vận động di chuyển đàn xuống hồ Nước Ngọt.