Xóa đói, giảm nghèo bền vững

Giai đoạn 2011-2015, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra mục tiêu giảm mỗi năm từ 1,5% đến 2% hộ nghèo. Làm thế nào để thực hiện mục tiêu nói trên?

Chính sách đến với người nghèo

Trong giai đoạn 2006-2010, công tác XĐGN ở tỉnh ta được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong 5 năm, tổng nguồn lực được phối hợp, lồng ghép đầu tư cho chương trình trên 2,23 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 446,5 tỷ đồng.

Các địa phương, ban, ngành đoàn thể đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và các mô hình trình diễn giống cây con có năng suất cao cho hàng chục nghìn lượt hộ nghèo, hướng dẫn cho bà con cách thức làm ăn có hiệu quả. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tích cực hỗ trợ cho gần 41.000 lượt hộ nghèo vay trên 993,2 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh đã huy động các hội viên cho hộ nghèo vay với lãi suất ưu đãi hoặc không tính lãi suất để hội viên đầu tư kinh doanh, sản xuất. Nhiều hộ vay vốn đã biết sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả trong sản xuất và đời sống nên góp phần làm giảm nhanh hộ nghèo ở từng địa phương, giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị, nông thôn, giữa miền núi và miền xuôi.

Cũng trong 5 năm qua, huy động từ nhiều nguồn lực, tỉnh ta đã xây dựng được 9.451 ngôi nhà cho hộ nghèo, với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục cho người nghèo, ngành Giáo dục–Đào tạo đã thực hiện miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho hơn 136.880 học sinh là con em hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, với số tiền 15.886 triệu đồng. Thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 696.621 lượt người nghèo với tổng kinh phí 79 tỷ 969 triệu đồng; người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí là 163.844 lượt người.

Có thể nói, các chính sách an sinh xã hội đã tác động trực tiếp đến đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tiến đến xóa nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2006-2010, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ta giảm 2%, tương đương 1.468 hộ/năm. Phần lớn các hộ nghèo đã được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản như vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, nhà ở, đào tạo nghề, khuyến nông - lâm - ngư, nước sạch sinh hoạt. Các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu ở xã nghèo, bãi ngang ven biển đã đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt và phát triển sản xuất của nhân dân. Nhiều công trình đã đáp ứng nhu cầu và tác động đến phát triển kinh tế, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân. Công tác XĐGN đã thúc đẩy bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Xóa đói, giảm nghèo bền vững

Trong giai đoạn 2011-2015, mục tiêu đề ra của tỉnh phấn đấu mỗi năm giảm từ 1,5% tỷ lệ hộ nghèo và 2 năm đầu bình quân mỗi năm giảm 2% hộ nghèo, không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách, người có công. Theo chuẩn nghèo mới, toàn tỉnh hiện có 21.139 hộ nghèo (chiếm 15,33% tổng số hộ dân), 14.463 hộ cận nghèo (chiếm 10,5%).

Đ/c Đỗ Thị Xuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Biện pháp giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tiếp theo hết sức khó khăn, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Về phía ngành, sẽ tích cực lồng ghép công tác giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương như: Chính sách hỗ trợ người nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm về sản xuất và nhà ở cho hộ nghèo là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số và hộ nghèo đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu, nhiệm vụ, chủ trương, chính sách giảm nghèo đến mọi cấp, ngành, tầng lớp nhân dân, đồng thời, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, triển khai thực hiện hợp lý các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án giảm nghèo, gắn trách nhiệm các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo một cách liên thông thống nhất.

XĐGN là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, tỉnh ta đang tập trung nguồn lực đầu tư và các hoạt động ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo, huyện nghèo, hộ nghèo. Ưu tiên cung cấp tín dụng ưu đãi kịp thời cho tất cả các hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp, không phải thế chấp để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Trợ giúp người nghèo trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, miễn giảm phí khám chữa bệnh bằng các hình thức như mua thẻ BHYT, cấp giấy chứng nhận khám chữa bệnh miễn phí, khám chữa bệnh nhân đạo, từ thiện,…Bảo đảm cho con em tất cả các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có các điều kiện cần thiết trong học tập. Giảm sự chênh lệch về môi trường học tập và sinh hoạt trong nhà trường giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Ngày vì người nghèo“, thu hút sự ủng hộ của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị-xã hội, các tầng lớp dân cư, để tạo thêm nguồn lực thực hiện xong mục tiêu xóa nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo. Triển khai các dự án khuyến nông-lâm-ngư-công, hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề, phù hợp với các đối tượng và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nơi người nghèo cư trú; làm cho người nghèo dễ tiếp thu và áp dụng.

Chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015: Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống. Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng. Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

CÁC Ý KIẾN ĐÓNG GÓP

Đ/c Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Trước mắt, để giảm 2% hộ nghèo trong năm 2011, UBND tỉnh chỉ đạo cần đẩy nhanh khắc phục hậu quả sau trận lũ năm 2010, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, ưu tiên những công trình liên quan đến dân sinh. Chỉ đạo lồng ghép thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào nghèo ở các vùng miền; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự lực làm ăn, không trông chờ ỷ lại các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đ/c Lê Minh Lộc,Trưởng phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh

“Đề nghị chính quyền địa phương nên rà soát lại danh sách hộ nghèo, hộ chính sách và gởi về ngân hàng để xem xét lập thủ tục, hồ sơ cho vay vốn, khi có vốn là ngân hàng tiến hành giải ngân ngay; đồng thời thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, theo chúng tôi cơ bản là chúng ta phải xây dựng được kế hoạch, phải có những mô hình điểm về sản xuất-chăn nuôi hiệu quả; chính sách lao động rõ ràng, rồi hướng dẫn cho người dân thực hiện thì khi đưa đồng vốn ra mới mang lại hiệu quả thiết thực”.