Có thể nhìn nhận, năm 2019 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016-2020, được thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã bám sát Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023 và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, đã ban hành Kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2019, với 8 nhóm giải pháp chủ yếu, gồm 169 nhiệm vụ cụ thể chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương với tinh thần vượt khó, phát huy nội lực đã chủ động đề ra chương trình công tác trọng tâm, nhiệm vụ đột phá của ngành, đơn vị, địa phương mình để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện; đồng thời với sự đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần cho kinh tế-xã hội năm 2019 của tỉnh tiếp tục ổn định, chuyển biến tích cực và có bước phát triển khá toàn diện; là năm thứ 2, tỉnh hoàn thành đạt 15/15 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội và môi trường.
Công nhân Công ty Dệt may Quảng Phú (Ninh Sơn) thi đua sản xuất nâng cao hiệu suất lao động và chất lượng sản phẩm. Ảnh: V.M
Điểm nổi bật, đáng ghi nhận, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) cuối năm ước đạt 17.340 tỷ đồng, tăng 12,29% so với cùng kỳ, trong đó tổng giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp- Xây dựng ước đạt 14.435 tỷ đồng, tăng 27,7% so cùng kỳ. Khâu đột phá về năng lượng tái tạo được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả khá tích cực. Đến nay đã hòa lên lưới điện 1.219,915 MW, với 20 dự án năng lượng tái tạo (điện gió 116,925 MW, với 3 dự án; điện mặt trời 1.102,99 MW, với 17 dự án); giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 11.543 tỷ đồng, tăng 6,3%, trong đó về nông, lâm nghiệp tăng 6,5%, thủy sản tăng 6,2%; giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 10.974 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách đạt 4.050 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Kết quả đó đã tạo động lực cho kinh tế tăng trưởng khá cao, một số lĩnh vực tăng trưởng mạnh. Cũng theo đánh giá của UBND tỉnh, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều chuyển biến tích cực; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh, cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch đúng hướng, tạo được nguồn thu cho ngân sách nhà nước; thu nhập bình quân trên đầu người đạt khá. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, các hộ nghèo được thực hiện tốt hơn; giải quyết việc làm được đẩy mạnh, xuất khẩu lao động tăng cao; quy mô học sinh các cấp học tiếp tục duy trì, chất lượng giáo dục được nâng lên; dịch bệnh được kiểm soát; vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Công tác cải cách hành chính được quan tâm; một số chỉ số cải cách hành chính được cải thiện rõ nét và tăng hạng. Công tác quốc phòng- an ninh được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng thực hiện.. từ đó niềm tin, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhân dân trong tỉnh được nâng lên rõ rệt…
Trung Nam Group đẩy mạnh đầu tư năng lượng tái tạo. Ảnh: P.Bình
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, theo phân tích chung, tình hình kinh tế -xã hội của tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhất định. Đó là, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế, ngân sách Trung ương bổ sung có tăng, nhưng chưa đồng bộ ở các lĩnh vực; chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế có cải thiện nhưng còn thấp; năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, đời sống dân sinh và sản xuất kinh doanh của người dân, nhất là tác động đến sản xuất nông nghiệp; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp; cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây trồng cạn, tiết kiệm nước tính ổn định chưa cao. Công tác cải cách thủ tục hành chính tuy có tiến bộ nhưng có mặt hiệu quả chưa cao; một số chỉ số cải cách hành chính còn thiếu tính ổn định; hoạt động du lịch có nhiều cải thiện, có bước phát triển nhưng chất lượng các điểm đến chưa cao. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh từng lúc, từng nơi vẫn còn tiềm ẩn vấn đề phức tạp, công tác phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu vẫn còn nhiều khó khăn…cần có giải pháp để nâng cao kết quả đạt được trong thời gian tới.
Xác định năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của nhiệm kỳ 2015-2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những khó khăn hạn chế, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, trên cơ sở đó đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2020 một cách đồng bộ, đạt kết quả cao nhất. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành kinh tế, trọng tâm là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các khâu đột phá, trụ cột về phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án động lực thay thế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đẩy mạnh khởi nghiệp doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ và vận dụng hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa, vùng sâu trong tỉnh.
Một nhiệm vụ quan trọng được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, đó là tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; củng cố quốc phòng-an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; rà soát đánh giá, xây dựng huyện nông thôn mới theo kế hoạch, đảm bảo thực chất, đáp ứng các tiêu chí huyện nông thôn mới theo quy định; phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.
Nhật Nguyên