Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Tổng lượng hàng hóa được các doanh nghiệp thương mại lớn trên địa bàn tỉnh đăng ký dự trữ phục vụ hai tháng trước, trong và sau Tết là khoảng 600 tỷ đồng. Trong đó 4 đơn vị kinh doanh phân phối lớn gồm: Công ty TNHH MTV TM và DV Sài Gòn- Phan Rang (Siêu thị Co.op Thanh Hà), Công ty TNHH Dược phẩm Thương mại Thy Thy, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trúc Nguyên, Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ ước tính dự trữ với tổng lượng hàng hóa khoảng 150 tỷ đồng. Riêng nguồn hàng thuộc nhóm bình ổn giá khoảng 56 tỷ đồng. Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán; cung cấp đầy đủ, thường xuyên, đảm bảo nguồn hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đặc biệt tại các vùng nông thôn, miền núi cách xa trung tâm, vào trung tuần tháng 11, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu trình UBND tỉnh Kế hoạch Bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Theo đó, năm nay, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ 4 doanh nghiệp trên được vay 18 tỷ đồng, với lãi suất 0% trong khoảng thời gian 3 tháng từ ngày 2-12-2019 đến ngày 2-3-2020 để thực hiện công tác dự trữ hàng hóa phục vụ dịp tết. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp phân phối đã chủ động chốt đơn hàng với các nhà cung cấp. Một lượng lớn hàng hóa phục vụ dịp tết cũng đã được các đơn vị nhập kho.
Siêu thị Co.opmart Thanh Hà cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân.
Bên cạnh chuẩn bị tốt nguồn cung, nhằm góp phần bình ổn thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh mua sắm các loại hàng hóa với giá cả hợp lý trong dịp tết, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch phục vụ hàng hóa Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Ngoài việc khuyến khích các đơn vị kinh doanh thực hiện chương trình khuyến mãi, dự kiến trong tháng 1-2020, Sở sẽ tổ chức Hội chợ Thương mại Tết tại Tp.Phan Rang- Tháp Chàm với quy mô khoảng 200 gian hàng. Đồng thời, làm việc với các đơn vị tổ chức bán hàng bình ổn tại 9 điểm cố định và trên 60 chuyến bán hàng lưu động tập trung vào 8 nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Gạo, nếp; thịt gia súc (thịt heo, thịt bò); thịt gia cầm (thịt gà, thịt vịt); trứng gia cầm (trứng gà, trứng vịt); thực phẩm chế biến; dầu ăn; đường; rau, củ, quả tươi để phục vụ nhân dân các xã nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc. Sở cũng sẽ phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường để kịp thời phát hiện xử lý những hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, nâng giá ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Trước diễn biến của dịch tả lợn (heo) Châu Phi, một trong những mối quan tâm của người tiêu dùng trong dịp tết năm nay là nguồn cung ứng thịt heo. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Quốc Sanh, cho biết: Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt heo trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cao ở mức khoảng 2.000 tấn thịt. Qua làm việc, Công ty Cổ phần chăn nuôi CP cam kết từ ngày 4-12-2019 sẽ ngừng xuất heo của công ty ra ngoài tỉnh với số lượng hiện có 22.000 con và thực hiện bình ổn giá thông qua hệ thống 19 cửa hàng CP trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, Công ty TNHH CJ Vina Agri cũng cam kết dành 5.000 con heo để cung cấp cho thị trường Ninh Thuận trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, một lượng lớn heo với khoảng 20.000 con được nuôi nhỏ lẻ trong dân có khả năng xuất chuồng trong dịp tết cũng là một nguồn cung lớn hoàn toàn bù đắp được cho thị trường trong trường hợp sức mua tăng cao đột biến. Như vậy, về cơ bản, từ nay đến Tết Nguyên đán, lượng thịt heo trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung cấp đủ cho người tiêu dùng.
Ngọc Diệp