Cùng với đó, việc cam kết cắt giảm thuế quan các sản phẩm chăn nuôi theo các Hiệp định thương mại tự do ngày càng được rút ngắn, trong đó đều là các cường quốc về chăn nuôi, cũng gây áp lực tới ngành chăn nuôi. Những vấn đề này đòi hỏi ngành phải tìm ra giải pháp để sản phẩm cạnh tranh được về giá thành, chất lượng đảm bảo và phát triển bền vững.
Anh Dương Đức Lâm (xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) chăm sóc đàn lợn với mô hình nuôi
bằng thảo dược để xuất chuồng phục vụ Tết nguyên đán sắp tới. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, sản xuất chăn nuôi hiện nay cho thấy để tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng và an toàn cần phải xây dựng và tổ chức theo từng chuỗi giá trị; trong đó có sự tư vấn và giám sát từ khâu đầu vào sản xuất, giết mổ tới khâu vận chuyển, bảo quản, đóng gói và phân phối sản phẩm.
Thực tiễn cho thấy, mô hình liên kết sản xuất giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp đã được thực hiện từ khá lâu, trên hầu hết các sản phẩm như: thịt lợn, thịt gia cầm, trứng và sữa. Tuy nhiên, mô hình này hiện vẫn thiếu tính bền vững và quy mô nhỏ, trừ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa đều tham gia vào các chuỗi liên kết, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhưng hiện mới chỉ đạt 20%; trứng gia cầm đạt 10% trên tổng sản lượng cùng loại.
Theo Cục Chăn nuôi, cả nước có trên 350 mô hình liên kết trong hoạt động sản xuất chăn nuôi, hơn 2.000 cơ sở chăn nuôi tham gia nuôi gia công cho các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài nước.
Không chỉ hạn chế trong xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm, ngành chăn nuôi còn gặp khó khăn trong quy hoạch hình thành vùng chăn nuôi, cơ chế cụ thể và sự tham gia của các cơ quan chức năng để cấp giấy chứng nhận cho các khâu trong chuỗi sản xuất, sản phẩm hàng hóa có giấy chứng nhận nhãn hiệu.
Hay trong chế biến sản phẩm chăn nuôi đã có một số doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ và quan tâm đến chế biến như Dabaco, Đức Việt, C.P. Việt Nam, TH TrueMilk, Ba Huân, Hùng Vương, Masan, Biển Đông DHS… Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp vẫn còn ít, sản phẩm chế biến chưa đa dạng và đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Trong khi đó, cả nước vẫn còn trên 27.000 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở một số địa phương khu vực phía Bắc. Các địa phương đều đã có quy hoạch mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở này trên thực tiễn gặp nhiều khó khăn, còn chậm so với kế hoạch do quỹ đất, nguồn vốn đầu tư. Hiện nay, trên cả nước mới xây dựng và đưa vào hoạt động được 434 cơ sở giết mổ tập trung trên tổng số 1.230 cơ sở giết mổ được quy hoạch.
Với số lượng lớn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác trên địa bàn rộng trong khi quản lý về giết mổ chưa hiệu quả, chế tài xử lý vi phạm đối với cơ sở vi phạm quy định về giết mổ còn thấp dẫn đến tình trạng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch đối với sản phẩm chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Đây cũng là nơi gây nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, nếu không đẩy mạnh tái cơ cấu chăn nuôi, tiếp tục để chăn nuôi tự do, nhỏ lẻ thì sẽ không kiểm soát được dịch bệnh, môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn vẫn còn khá phổ biến.
Từng bước giải quyết tình trạng này, Hà Nội đã đẩy mạnh việc tái cơ cấu từ cách đây 5 - 6 năm. Thành phố xác định đối tượng vật nuôi chủ lực với mỗi địa phương trên cơ sở tiềm năng, lợi thế từng vùng. Hà Nội đang tập trung hướng nuôi các loại không gây ô nhiễm nhiều như: gia cầm, thủy sản…; trong đó có thế mạnh là nuôi vịt. Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chuyển sang nuôi gà thả vườn, chăn nuôi bò thịt…
"Nhiều năm qua, Hà Nội tái cơ cấu chăn nuôi bò thịt rất trúng, nhiều hộ đã bỏ nuôi lợn sang nuôi bò sinh sản và bò thịt rất hiệu quả. Thời gian tới, Luật Chăn nuôi có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho phát triển chăn nuôi quy mô lớn, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu", ông Nguyễn Huy Đăng cho hay.
Sau gần 1 năm ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, thực tiễn đòi hỏi ngành chăn nuôi phải thay đổi cơ bản về tổ chức sản xuất, nhất là trong chăn nuôi lợn - một ngành hàng chiếm số lượng lớn trong chăn nuôi.
Nhiều hộ chăn nuôi tại Kiên Giang chuyển đổi vật nuôi sau ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Trong ảnh: Mô hình nuôi giống vịt
siêu ngỗng của chị Nguyễn Sol Pha, ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp. Ảnh : Hồng Đạt/TTXVN
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, đây là thời cơ, cơ hội, áp lực buộc việc tái cơ cấu phải trở thành mệnh lệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định cần tăng sản xuất các loại vật nuôi an toàn như: gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản... Tái cơ cấu, thay đổi quy mô, giảm chăn nuôi lợn, tăng nuôi những vật nuôi khác.
“Không thể trông mong ngay vào việc có vắc xin cho bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các nước dù có dịch, nhưng vẫn phát triển được chăn nuôi lợn bằng chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng chuỗi để chia sẻ lợi nhuận giữa các tác nhân: người chăn nuôi, doanh nghiệp, hợp tác xã... Điều này sẽ giúp ngành kiểm soát được dịch bệnh, chăn nuôi an toàn, sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh và kiểm soát được thị trường”, ông Nguyễn Xuân Dương chỉ ra.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương cần xác định vùng chăn nuôi trọng điểm để kêu gọi đầu tư và thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, giá trị sản phẩm so với chăn nuôi truyền thống… Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước hợp tác với tập đoàn chăn nuôi lớn trên thế giới để thu hút nguồn lực đầu tư, năng lực quản trị, chuyển giao công nghệ... Các gia trại, trang trại lớn liên kết với các doanh nghiệp chế biến để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước cũng như toàn cầu, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040. Theo đó, phát triển chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật, trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển theo hướng hiện đại, công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại và chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ. Sản phẩm chăn nuôi bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chí về chi phí sản xuất thấp có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực.
Theo TTXVN/Báo Tin tức