Ông Đặng Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Phước, cho biết: Xác định phong trào SXKD giỏi là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo động lực để động viên, khuyến khích hội viên, nông dân thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình; hằng năm, ngoài việc tổ chức cho hội viên, nông dân đăng ký tham gia phong trào, Hội còn chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai hiệu quả các chương trình, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tập trung vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp vào sản xuất, tạo động lực thúc đẩy hội viên, nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.
Nông dân huyện Ninh Phước chăm sóc cây táo. Ảnh: H.Lâm
Bên cạnh đó, để giúp hội viên, nông dân tiếp cận với cách làm nông nghiệp theo hướng liên kết “4 nhà”, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, Hội đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT trên cây trồng, vật nuôi; xây dưng mô hình trình diễn, mô hình kinh tế Tổ hợp tác, Tổ hội nghề nghiệp, củng cố các nhóm sở thích nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho hội viên, nông dân. Chú trọng vận động nông dân tham gia duy trì và nhân rộng các mô hình như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình trồng táo kết hợp với nuôi dê cừu, tưới nước tiết kiệm; quy trình trồng nho, táo, măng tây xanh theo tiêu chuẩn VieGAP và hữu cơ… Hội còn phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân trong sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác nguồn vốn cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi; xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân để giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế.
Công ty TNHH măng tây xanh Linh Đan Ninh Thuận sản xuất măng tây xanh đạt chất lượng cao ở xã An Hải (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ
Bằng những giải pháp hỗ trợ thiết thực trên, Hội Nông dân huyện đã giúp hàng nghìn hộ nông dân mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi; hình thành được một số mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng tập trung với quy mô vừa và nhỏ, gắn với thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình. Nhờ vậy, phong trào nông dân SXKD giỏi được đông đảo hội viên, nông dân tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Chỉ tính riêng năm 2019, toàn huyện có 3.352 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi ở các cấp. Điển hình như ông Nguyễn Thành Anh thôn Trường Thọ (xã Phước Hậu), với mô hình kinh tế tổng hợp, ngoài sản xuất hơn 5 ha lúa, ông còn phát triển chăn nuôi hơn 10 con bò, làm dịch vụ nông nghiệp…nhờ đó, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình có thu nhập 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, hỗ trợ vốn và kiến thức cho 5 hộ nghèo ở địa phương phát triển kinh tế.
Để phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, theo ông Đặng Văn Bình, thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục chú trọng nhân rộng những điển hình nông dân SXKD giỏi; đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao KHKT, đào tạo nghề; hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất; tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; vận động hội viên, nông dân lựa chọn giống cầy trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước tăng thu nhập, nâng cao đời sống hội viên, nông dân.
Tiến Mạnh