Đặc biệt, nhằm tập trung nâng cao nhận thức cho lứa tuổi vị thành niên về vấn đề SKSS, sức khỏe giới tính (SKGT), năm 2006, Dự án nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ SKSS phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo triển khai nhiều hoạt động Giáo dục SKSS cho vị thành niên-thanh niên trong các trường học, tập trung là các trường THPT.
Học sinh ở tuổi vị thành niên rất cần trang bị kiến thức SKSS.
5 trường THPT đầu tiên được triển khai dự án là: Trường THPT Nguyễn Trãi, THPT Chu Văn An, THPT Tháp Chàm, THPT Chuyên Lê Quý Đôn và THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, đã có nhiều hoạt động với hình thức đa dạng, phong phú thu hút các em học sinh tham gia. Sau thành công tại 5 trường thí điểm, trong vòng 4 năm thực hiện, Dự án đã nhân rộng mô hình Giáo dục SKSS cho học sinh đến 15 trường học trong tỉnh. Nội dung giáo dục ngày càng được nâng cao, đặc biệt là các hoạt động truyền thông và sinh hoạt ngoại khóa theo khối lớp với chuyên đề SKSS, giới tính …Chỉ tính riêng trong năm 2010, các trường đã tổ chức 785 buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ để SKSS, SKGT và phòng chống HIV/AIDS cho 29.800 lượt HS tại 484 lớp của 15 trường học. Thầy, cô giáo được tập huấn kiến thức và kỹ năng truyền thông SKSS, giới tính nhằm triển khai các hoạt động tại các trường học như: tổ chức giao lưu giữa HS với cán bộ y tế, truyền thông SKSS; tổ chức các trò chơi, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức SKSS, đồng thời lồng ghép các chuyên đề giới tính, SKSS vào các môn học.
Để việc giáo dục SKGT, SKSS cho vị thành niên đạt hiệu quả thì gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng, một số trường: THPT như Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Dân tộc Nội trú tỉnh…đã phối hợp cùng phụ huynh để tạo ra tiếng nói chung trong việc giáo dục SKSS cho HS. Những buổi giao lưu, gặp gỡ giữa giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên truyền thông SKSS chính là cơ hội để trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cha mẹ HS và giáo viên, nhà trường về các vấn đề liên quan đến chăm sóc SKSS cho con em mình. Cũng từ những buổi giao lưu này, để giúp cha mẹ hiểu hơn và tôn trọng các quyền về SKSS của con em mình, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc con đúng cách, phù hợp với lứa tuổi vị thành niên.
Ở tuổi vị thành niên, HS thường có cảm giác xấu hổ, ngại ngần, đặc biệt là với những kiến thức khá nhảy cảm như giới tính, SKSS, tình dục. Các thầy, cô giáo tham gia giảng dạy kiến thức giới tính, SKSS mặc dù được tập huấn cả về kiến thức lẫn phương pháp, kỹ năng truyền đạt nhưng không phải ai cũng thực hiện thành công. Chính vì vậy, nhiều trường học vừa làm công tác truyền thông, đào tạo nhưng đồng thời cũng khảo sát thăm dò ý kiến HS. Có những thầy, cô giáo đưa giáo dục giới tính, SKSS vào phần nội dung quan trọng, bắt buộc của các môn học để HS tránh được những ngại ngần. Các thầy cô cũng tìm tòi, tham khảo các chuyên gia để lập ra những đề thi trắc nghiệm kiến thức khảo sát và đánh giá tầm nhận thức, hiểu biết của HS để có những điều chỉnh hợp lý trong cách tiếp cận và giảng dạy.
Từ chỗ ngại ngần, ngại tham gia và ngại đặt câu hỏi trong các buổi học, sinh hoạt ngoại khóa… nầy hầu hết các HS đã mạnh dạn hơn, tự tin hơn. Nhiều em còn tỏ ra rất hứng thú và thoải mái khi tham gia các chương trình giao lưu với chuyên gia SKSS, hay tự tin thuyết trình, hùng biện sự hiểu biết của mình trong các hội thi tìm hiểu kiến thức SKSS, giới tính…Theo kết quả khảo sát của thầy, cô giáo tại các trường, hầu như 100% HS được học SKSS, giới tính…đều nắm chắc và hiểu chính xác những vấn đề cơ bản. Phần lớn các em có thể hiểu và giải thích đúng các khái niệm liên quan đến vấn đề SKSS và giới tính, tình dục như: tình bạn, tình yêu, tình dục, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục….
Có thể thấy, công tác giáo dục SKSS, sức khỏe tình dục, SKGT cho vị thành niên-thanh niên trong trường học là một điều hết sức cần thiết, là yếu tố quan trọng để nâng cao nhận thức về SKSS, giới tính, giúp tuổi vị thành niên-thanh niên tránh được những tệ nạn xã hội và tự bảo vệ mình trước bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hy vọng những mô hình giáo dục này sẽ không chỉ tập trung ở một số trường như hiện nay mà sẽ được nhân rộng đến tất cả các trường học, không chỉ THPT mà cả THCS, đặc biệt ở những vùng nông thôn, miền núi.
Bích Thủy